Đồng bạc xanh quay đầu giảm vào phiên giao dịch vừa qua, hệ quả của sự sụt giảm của lãi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ, trong bối cảnh một loạt dữ liệu không mấy khả quan về nền kinh tế lớn nhất thế giới, làm giảm kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất một lần nữa trước khi kết thúc năm 2023.
Cụ thể, Báo cáo Việc làm Quốc gia của ADP không được như kỳ vọng của thị trường, điều này đã khiến đồng bạc xanh giảm mạnh vào giữa phiên giao dịch. Tuy nhiên, nó đã phục hồi nhẹ trở lại sau khi dữ liệu mới công bố cho thấy đơn đặt hàng nhà máy ở Mỹ tăng 1,2% trong tháng 8, vượt mức kỳ vọng là 0,2%.
Karl Schamotta, Chiến lược gia trưởng thị trường nhận định, sự gia tăng lợi suất trái phiếu kho bạc, tương ứng với đà tăng trưởng của đồng USD, dường như đã đạt giới hạn nhất định.
Trong khi đó, đồng yên Nhật phục hồi so với đồng bạc xanh, vượt mốc 150 yên/USD, do đợt tăng giá ngắn hạn trong phiên trước làm dấy lên suy đoán rằng chính quyền Nhật Bản có thể đã can thiệp để hỗ trợ đồng tiền này. Vào năm ngoái, Chính quyền Nhật Bản đã tiến hành can thiệp để hỗ trợ đồng Yên Nhật, lần đầu tiên kể từ năm 1998.
Đồng tiền này đã giảm khoảng 12% so với đồng USD trong năm nay, do lãi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh so với các công ty cùng ngành ở Nhật Bản, trong bối cảnh Fed tăng lãi suất.
Ở một diễn biến ngược lại, đồng Euro tăng 0,5%, đạt mức 1,0515 USD, bất chấp dữ liệu mới công bố cho thấy doanh số bán lẻ khu vực đồng Euro giảm nhiều hơn dự kiến trong tháng 8.
Đồng bảng Anh tăng 0,6%, đạt mức 1,2149 USD, phục hồi sau khi giảm xuống mức thấp nhất gần 7 tháng là 1,2038 USD.
Trên thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch 5/10, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng 20 đồng, hiện ở mức 24.085 đồng.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng nhẹ, hiện ở mức 23.400 đồng - 25.239 đồng.
Tỷ giá Euro tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giảm nhẹ ở mức 23.958 đồng – 26.480 đồng.
Việt Anh (T/h)