Đồng USD giảm trong phiên giao dịch vừa qua, và giảm phiên thứ hai liên tiếp so với đồng yên Nhật.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm sau khi tăng nhẹ trước đó khi báo cáo chỉ số giá sản xuất (PPI) cho thấy giá tăng hơn dự kiến trong tháng 6.
Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được công bố hôm 11/7 thấp hơn dự kiến, điều này làm tăng đặt cược rằng việc cắt giảm lãi suất của Fed sẽ bắt đầu vào tháng 9.
Đồng USD chốt phiên giao dịch giảm 0,56%, xuống mức 157,91 yên/USD sau khi đạt 157,3 trước đó, mức thấp nhất kể từ ngày 17/6. Đồng yên chạm mức thấp nhất trong 38 năm là 161,96/USD vào tuần trước. Chính quyền Tokyo đã can thiệp vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5, chi khoảng 9,8 nghìn tỷ yên (61,55 tỷ USD) để hỗ trợ đồng tiền này.
Khoảng cách giữa lãi suất của Mỹ và Nhật Bản đã tạo ra cơ hội giao dịch sinh lời cao, trong đó các nhà giao dịch vay đồng yên với lãi suất thấp để đầu tư vào tài sản định giá bằng đồng USD để có lợi nhuận cao hơn, được gọi là giao dịch chênh lệch giá.
Việc cắt giảm lãi suất của Fed sẽ làm giảm sức hấp dẫn của giao dịch này.
Công cụ FedWatch của CME Group cho thấy, các nhà giao dịch hiện đang định giá 94% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9, tăng so với mức 73% trước khi chỉ số CPI được công bố.
Tại thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch ngày 13/7, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng 6 đồng, hiện ở mức 24.253 đồng.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giữ nguyên, hiện ở mức 23.400 đồng - 25.450 đồng.
Tỷ giá EUR tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng nhẹ, hiện ở mức 25.041 đồng – 27.677 đồng.
Việt Anh (t/h)