Đồng USD giảm vào phiên giao dịch vừa qua, sau khi dữ liệu cho thấy giá tiêu dùng bất ngờ giảm trong tháng 6, trong khi đồng yên Nhật tăng mạnh, làm dấy lên suy đoán về khả năng can thiệp vào đồng tiền này.
Đồng yên có thời điểm tăng hơn 2% sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 38 năm so với đồng bạc xanh vào tuần trước.
Giao dịch mua vào đồng USD và bán ra đồng yên đã trở nên phổ biến vì sự chênh lệch lãi suất lớn giữa hai nước.
Chỉ số DXY có thời điểm chạm mốc 104,07, mức thấp nhất kể từ ngày 7/6.
So với đồng yên, đồng USD đã giảm 1,81% ở mức 158,75 sau khi chạm mức 157,4, mức thấp nhất kể từ ngày 17/6. Đồng tiền này chạm mức cao nhất là 161,76 trước đó vào ngày 11/7.
Đồng USD đã đạt đến vùng hỗ trợ kỹ thuật quan trọng so với đồng yên và sẽ cần ở trên mức đó để duy trì xu hướng tăng giá của đồng USD kể từ tháng 12/2023.
Dữ liệu giá tiêu dùng được công bố vào ngày 11/7 sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, ông chưa sẵn sàng kết luận rằng lạm phát đang giảm xuống mức 2% một cách bền vững.
Lạm phát tăng cao bất ngờ trong quý I làm dấy lên nhiều lo ngại. Cũng có lo ngại rằng lạm phát sẽ khó tiếp tục giảm so với năm 2023, sau khi được cải thiện vào nửa cuối năm ngoái.
Đồng EUR tăng 0,34%, đạt mức 1,0867 USD, có thời điểm đạt mốc 1,090 USD, mức cao nhất kể từ ngày 7/6.
Tại thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch ngày 12/7, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng 6 đồng, hiện ở mức 24.253 đồng.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giữ nguyên, hiện ở mức 23.400 đồng - 25.450 đồng.
Tỷ giá EUR tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng nhẹ, hiện ở mức 24.965 đồng – 27.593 đồng.
Việt Anh (t/h)