Điều kiện kinh tế - xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An đang ngày càng được nâng cao nhờ thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia.
Điều kiện kinh tế - xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An đang ngày càng được nâng cao nhờ thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia. (Ảnh: Thiên Ý)

Dân số toàn tỉnh Nghệ An có khoảng hơn 3,2 triệu người, trong đó miền núi có 1.197.628 người (chiếm 41%). Riêng đồng bào dân tộc thiểu số có 442.787 người, chiếm 15,2% dân số và chiếm 36% dân số trên địa bàn miền núi. Nghệ An có 5 dân tộc thiểu số chính, gồm: Thái 299.490 người, Thổ 62.751 người, Khơ Mú 45.890 người, Mông 30.433 người, Ơ Đu 1.085 người.

Đồng bào các dân tộc ở Nghệ An có truyền thống đoàn kết lâu đời trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chế ngự thiên nhiên, khắc phục thiên tai và xây dựng quê hương, đất nước. Mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng, tạo nên sự đa dạng trong cộng đồng các dân tộc ở Nghệ An.

Dù gặp nhiều khó khăn ban đầu trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các ngành, địa phương đồng lòng thực hiện. Ban chỉ đạo và tổ công tác các cấp được thành lập và hoạt động hiệu quả, giúp quản lý và điều hành tốt.

Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo và đôn đốc triển khai chương trình. Các Sở, ban, ngành và UBND các huyện đã sát sao thực hiện theo quy định.

Đến hết năm 2022 và năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2021 và năm 2022 của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm khoảng 3,63% và 3,74%, vượt kế hoạch mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

Hệ thống chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình đã đầy đủ và đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng. Các đơn vị, địa phương đã chủ động bám sát các Nghị quyết, chỉ thị để chỉ đạo và điều hành nhiệm vụ. Việc triển khai các văn bản hướng dẫn kịp thời đã tháo gỡ nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

Kết quả ban đầu của chương trình đã góp phần tích cực thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Kết cấu hạ tầng như giao thông, trường học, trạm y tế, điện lưới và nước sinh hoạt không ngừng được đầu tư nâng cấp.

Các dự án hỗ trợ đất ở, nhà ở, chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nghề và nâng cao năng lực cộng đồng đã mang lại hiệu quả tích cực, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Chương trình đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; các lĩnh vực y tế, giáo dục và văn hóa xã hội có bước chuyển biến tích cực; công tác chính sách xã hội được quan tâm. Hệ thống chính trị vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng được củng cố vững mạnh, nhân dân đoàn kết và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. An ninh, trật tự an toàn xã hội trong vùng được đảm bảo.

Tuy nhiên, quá trình triển khai chương trình vẫn gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương còn lúng túng trong chỉ đạo thực hiện, việc lựa chọn và phê duyệt danh mục dự án đầu tư chậm, hiệu quả chưa cao; tiến độ thực hiện các dự án và tỷ lệ giải ngân vốn còn thấp.

Trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục phát huy vai trò của các cấp ủy và chính quyền địa phương trong chỉ đạo, kiểm tra và đôn đốc. Tỉnh Nghệ An cũng sẽ nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, phân công rõ ràng trách nhiệm cho từng đơn vị trong kế hoạch thực hiện hàng năm.

Các văn bản chỉ đạo, điều hành của Nghệ An sẽ được tiếp tục xây dựng và ban hành kịp thời, đảm bảo tiến độ và chất lượng thực hiện theo hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương.

Quyết Lê