Quá nhiều bất ngờ đã đến tại SEA Games 30 khi đương kim vô địch Thái Lan, á quân Malaysia và đội chủ nhà Philippines đều dừng bước sau vòng bảng. Ngoài U22 Việt Nam, vòng bán kết là nơi tụ họp của 3 ẩn số thú vị mang tên Campuchia, Myanmar và Indonesia. Trong đó, U22 Campuchia là trường hợp đặc biệt hơn cả khi đây mới là lần đầu tiên một đội tuyển (tính cả nam và nữ) của họ góp mặt ở tốp 4 sau 30 kỳ đại hội.

U22 Việt Nam sẽ đối đầu “chú ngựa ô” của giải là đối thủ Campuchia (Ảnh: Thuận Thắng)

U22 Việt Nam sẽ đối đầu “chú ngựa ô” của giải là đối thủ Campuchia (Ảnh: Thuận Thắng)

Lý do U22 Campuchia tạo nên kỳ tích ở SEA Games 30

Số đông có thể bất ngờ với màn trình diễn đỉnh cao của U22 Campuchia tại SEA Games 30, nhưng những người xem đội bóng này thi đấu ở giải U22 Đông Nam Á hồi đầu năm thì không hề ngạc nhiên.

Dù có lợi thế sân nhà, những gì U22 Campuchia đã thể hiện vẫn là rất ấn tượng. Họ thắng Malaysia, Myanmar ở vòng bảng, góp mặt tại bán kết và chỉ thua Thái Lan trên chấm luân lưu. Trận tranh hạng ba với chính U22 Việt Nam, họ cầm chân đối thủ tới phút 86. Nhiều tuyển thủ U22 Việt Nam đã ra sân hôm đó, cả HLV Park Hang-seo cũng dự khán giải đấu đó.

Một tháng trước SEA Games, vẫn là bóng đá Campuchia có màn trình diễn ấn tượng ở vòng loại U19 châu Á 2020. Tại đây, họ thắng Thái Lan, thua Malaysia 1 bàn trong trận cầu có 9 pha lập công trước khi giành vé đi U19 châu Á lần đầu tiên trong lịch sử. 5 cầu thủ trong đội hình tuyển U19 Campuchia cũng góp mặt ở SEA Games này.

Một năm qua, bóng đá trẻ Campuchia không hề thua kém các đối thủ cùng khu vực. Họ đủ sức và thực tế đã chơi sòng phẳng, thậm chí nhiều lần chiến thắng Thái Lan, Myanmar hay Malaysia. Những thắng lợi liên tiếp ấy là bằng chứng cho thấy một suất ở bán kết SEA Games không phải là kết quả ăn may của họ.

Chất Nhật Bản là sự khác biệt của bóng đá Campuchia trong 2 năm trở lại đây (Ảnh: AFP)

Chất Nhật Bản là sự khác biệt của bóng đá Campuchia trong 2 năm trở lại đây (Ảnh: AFP)

U22 Campuchia đang được dẫn dắt bởi Felix Dalmas, huấn luyện viên người Argentina nhưng dành phần lớn sự nghiệp chơi bóng tại Nhật Bản. “Cấp dưới” của ông ở đội U22 là Koji Gyotoku, một người Nhật từng dẫn dắt nhiều CLB J.League. Còn người đồng cấp Keisuke Honda vốn đã quá nổi tiếng. Cộng thêm HLV thể lực Taichi Oshita đang hỗ trợ cho các đội U22 và tuyển quốc gia, bóng đá Campuchia đang có một dàn HLV mang đậm “chất Nhật Bản”. Dalmas và Honda tới Campuchia hồi năm ngoái còn Gyotoku nhận việc đầu năm nay.

Sự tương đồng về gốc gác giữa họ cho thấy ý đồ hướng về Nhật Bản rất rõ ràng của bóng đá Campuchia. Bản thân cầu thủ hay nhất Campuchia Chan Vathanaka cũng từng chơi bóng tại Nhật.

Chiến lược nhất quán của Liên đoàn Bóng đá Campuchia đã bước đầu mang tới hiệu quả. Các đội tuyển Campuchia thể hiện một lối chơi đồng bộ từ trên xuống dưới. Trên cái nền có sẵn là tốc độ chơi bóng và khả năng bùng nổ nơi hàng công, họ được bổ sung thêm thể lực, kỷ luật và chất lượng phòng ngự, vốn là ba đặc sản của bóng đá Nhật Bản. Những đổi thay là rõ ràng thông qua tấm vé bán kết SEA Games 30.

Phong cách Nhật Bản nơi đội tuyển Campuchia cũng gợi nhớ đến những cuộc đối đầu nảy lửa giữa ông Park Hang-seo và đối thủ đến từ Đông Á. 90 phút chiều nay sẽ là một cuộc chiến khác giữa hai triết lý bóng đá hàng đầu châu lục, hai nền bóng đá tương khắc như nước với lửa.

Thành tựu của bóng đá Campuchia (và cả Việt Nam) cũng một lần nữa khẳng định chân lý: Các HLV Đông Nam Á chưa đủ sức đưa đội tuyển của mình tiến xa ở châu lục. Muốn vươn lên mạnh mẽ, họ vẫn phải dựa vào những nguồn lực từ bên ngoài mà Đông Á có vẻ là lựa chọn hợp lý nhất trong tình hình hiện nay.

U22 Việt Nam đã nhận được nhiều bài học bất ngờ từ giải đấu này (Ảnh: Thuận Thắng)

U22 Việt Nam đã nhận được nhiều bài học bất ngờ từ giải đấu này (Ảnh: Thuận Thắng)

Những bài học bất ngờ từ SEA Games

Về lý thuyết, U22 Campuchia rõ ràng là đội yếu nhất ở bán kết, bị đánh giá thấp hơn so với Indonesia, Myanmar và đương nhiên không có cửa trước Việt Nam, đối thủ đã thắng họ 4-1 ở kỳ đại hội gần nhất.

Tuy nhiên, đó có lẽ cũng là điều mà Thái Lan từng nghĩ trước khi thua Indonesia, và Malaysia từng nghĩ trước khi thua Campuchia. Chính U22 Việt Nam cũng đã trải qua vài phen hú hồn ở đại hội lần này, thắng ngược Indonesia trong thế bị dẫn, hòa với Thái Lan sau khi thua trước 2 bàn.

Tất cả đều là những bất ngờ, là kết quả ít người nghĩ tới trước giờ bóng lăn. 4 đội tuyển đang có mặt ở bán kết đã không vô địch một lần nào suốt 28 năm qua. Họ tiềm ẩn quá nhiều điều ngạc nhiên, có quá nhiều khát vọng, đều sở hữu sức mạnh tinh thần và ý chí đủ để khỏa lấp những cách biệt về chuyên môn. Sự hiện diện của họ là bằng chứng cho thấy điều gì cũng có thể thành hiện thực trong một kỳ SEA Games nhuốm màu cổ tích.

Với HLV Park Hang-seo, những bất ngờ kiểu này có lẽ cũng là điều ông không hề nghĩ tới. Hùng Dũng và đồng đội tới SEA Games trong tâm thế của kẻ chinh phục, trong tư thế của đội đương kim á quân U23 châu Á. Vậy mà, họ vẫn trải qua hàng loạt khó khăn, đối mặt với những điều chưa từng có trước đây.

Hai trận với Indonesia và Thái Lan là lần đầu tiên dưới triều đại Park Hang-seo, Việt Nam bị các đối thủ ở Đông Nam Á dẫn bàn. Hai trận đó cũng là lần đầu tiên, kế hoạch ban đầu của ông Park sụp đổ. Đó cũng là lần hiếm hoi, thủ môn của ông Park phạm những sai lầm ngớ ngẩn liên tiếp. Chúng ta tới đây với tư thế chinh phục, nhưng lại nhận được những bài học mới về một đội tuyển không hoàn hảo, về những cá nhân có thể phạm sai lầm, về cách đối đầu với những tình thế chưa có tiền lệ.

Tại châu Á và nhất là Đông Nam Á, các đối thủ có vẻ đã hiểu rõ Việt Nam. Chúng ta không còn dễ dàng áp đảo, dễ dàng chiến thắng, dễ dàng làm điều mình muốn trước họ. Khoảng cách giữa các đội tuyển ở Đông Nam Á có vẻ cũng thu hẹp dần như nhận định của HLV Felix Dalmas bên phía Campuchia. SEA Games xem ra thú vị hơn tính toán ban đầu và sẽ giúp ông Park có thêm nhiều bài học chất lượng.

U22 Việt Nam đã nhận được nhiều bài học bất ngờ từ giải đấu này (Ảnh: Thuận Thắng)

U22 Campuchia gặp thử thách lớn nhất từ đầu giải

Tuy nhiên, giấc mơ của bóng đá Campuchia có lẽ sẽ tạm dừng ở đây. 5 trận đã qua tại vòng bảng là quá đủ để HLV Park Hang-seo và ban huấn luyện Việt Nam tìm ra giải pháp. Đã vào tới bán kết, không có đội nào yếu và U22 Việt Nam sẽ không cho đối thủ cơ hội tạo nên bất ngờ.

Hai lần lội ngược dòng, thế trận áp đảo trước Indonesia và Thái Lan cho thấy U22 Việt Nam vẫn là đội bóng mạnh và bản lĩnh nhất SEA Games. Cùng với Myanmar ở bảng A, đây là hai đội tuyển hiếm hoi vẫn bất bại. Năng lực vượt trội, kinh nghiệm đỉnh cao ở các sân chơi châu Á giúp U22 Việt Nam vẫn đứng vững trước nhiều sóng gió. Đến lúc này, U22 Việt Nam là đội giành được nhiều điểm nhất (13), sở hữu hiệu số bàn thắng bại tốt nhất (+13), có hàng công mạnh nhất giải (17 bàn).

Đã hai lần bị đẩy vào nghịch cảnh, ông Park chắc chắn thận trọng hơn. Những kẽ hở trước Indonesia và Thái Lan sẽ được vá lại, U22 Việt Nam sẽ không cho Campuchia cơ hội tạo thêm bất ngờ.

Với ông Park, băn khoăn lớn nhất có lẽ chỉ nằm ở vị trí thủ môn, nơi cả Bùi Tiến Dũng và Nguyễn Văn Toản đều đã mắc sai lầm. Nếu phải chọn một người, ông Park có lẽ sẽ ưu tiên Tiến Dũng. Thủ thành của CLB Hà Nội có nhiều kinh nghiệm hơn và xứng đáng được trao thêm cơ hội.

Hàng công không phải vấn đề khi đã ghi tới 17 bàn sau 5 trận. Thiếu vắng Quang Hải khiến đội bóng không có ngòi nổ tốt nhất nhưng phong độ cao của Hà Đức Chinh, Nguyễn Tiến Linh cùng sự già dơ nơi Nguyễn Trọng Hoàng, Đỗ Hùng Dũng vẫn là quá đủ cho U22 Việt Nam.

Khi trận chung kết chỉ còn cách 90 phút, U22 Việt Nam sẽ đặt dấu chấm hết cho giải đấu gây ấn tượng mạnh của bóng đá trẻ Campuchia.

Theo Zing.vn