Theo Hồ Chí Minh, vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp. Nói đến vấn đề cán bộ bao gồm cả cán bộ và công tác cán bộ. Khi bàn về cán bộ Người khẳng định cán bộ là chủ thể, tức là đội ngũ cán bộ phải tự mình tu dưỡng, rèn luyện hằng ngày cả phẩm chất đạo đức, năng lực trí tuệ và phong cách để đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng. Còn khi bàn về công tác cán bộ, Người nhận định cán bộ lúc này là khách thể, tức là những người chịu đựng cái kết quả của những người làm công tác cán bộ. Trong trường hợp này, những người làm công tác cán bộ là chủ thể. Cách mạng có phát triển hay không phụ thuộc rất lớn vào công tác cán bộ, mà trực tiếp là cấp ủy và những người đứng đầu trong các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và tổ chức cán bộ.

Trong thực tế, nhiều khi cán bộ rèn luyện tốt, đủ đức, đủ tài, tận tụy, hết lòng, hết sức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân nhưng công tác cán bộ không tốt sẽ không phát huy được năng lực của cán bộ. Nhiều cán bộ xứng đáng giữ các vị trí quản lý, lãnh đạo nhưng vì công tác cán bộ có vấn đề, thiếu khách quan, dân chủ, không đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của nhân dân lên trên hết nên tài năng của họ bị mai một. Kết quả Đảng mất nhân tài, mất cán bộ.

Nói về nội dung công tác cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh ta sẽ thấy có những nét chính sau:

Thứ nhất, hiểu và đánh giá đúng cán bộ. Đây là quan điểm xuất phát và gặp rất nhiều khó khăn trong công tác cán bộ. Vì không hiểu và đánh giá đúng cán bộ thì không thể làm tốt công tác cán bộ. Hiểu và đánh giá đúng cán bộ phải khách quan, khoa học, không chỉ xem xét ngoài mặt mà còn phải xem xét tính chất của họ. Việc xem xét, đánh giá cán bộ phải làm thường xuyên. Kinh nghiệm cho thấy, mỗi lần xem xét lại nhân tài, một mặt tìm thấy những nhân tài mới, mặt khác, những người hủ hóa cũng lòi ra.

Thứ hai, khéo dùng cán bộ. Đây là yêu cầu đặt đúng người đúng việc. Người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Đã làm việc, dù người tài giỏi, cũng khó tránh khỏi khuyết điểm. Ta phải dùng chỗ hay và giúp người sửa chữa chỗ dở, khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ. Khéo dùng cán bộ còn liên quan đến việc “phải có gan cất nhắc cán bộ”. Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng: cất nhắc cán bộ không nên làm như “giã gạo”. Một cán bộ bị nhắc lên nhắc xuống ba lần là hỏng cả đời. Người lãnh đạo cần phải tôn trọng lòng tự tin, tự trọng của các đồng chí mình. 

Thứ ba, huấn luyện cán bộ. Theo Hồ Chí Minh, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Vì cách mạng là một nghề. Làm nghề gì cũng phải học, làm nghề gì phải thông thạo nghề đó. Hồ Chí Minh đã nêu lên những vấn đề căn bản trong công tác huấn luyện. Huấn luyện thì phải huấn và luyện. “Huấn là dạy dỗ, luyện là rèn giũa cho sạch những vết xấu xa trong đầu óc”.

Hệ thống các quan điểm trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về công tác cán bộ là sự kết hợp tinh tế giữa lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam, trở thành cơ sở lý luận và thực tiễn để Đảng lãnh đạo, chỉ đạo và tiến hành công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu đặt ra trong từng thời kỳ cách mạng trước đây và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay. Những quan điểm của Người về công tác cán bộ đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị không chỉ đối với hoạt động của Đảng mà nó còn đối với sự thành công của bất cứ tổ chức, đơn vị nào. Là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần lớn, thuộc hàng top đầu trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam nói chung và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Lạng Sơn rất coi trọng công tác cán bộ. Điều này được thể hiện ngay từ khâu tuyển dụng, đào tạo, đánh giá, bổ nhiệm, bố trí cán bộ tại chi nhánh với mục tiêu xây dựng một tập thể đoàn kết, vững mạnh, tạo động lực để mỗi cá nhân được phát huy hết năng lực của bản thân phục vụ cho sự phát triển của tổ chức đồng thời cũng tự tạo cơ hội khẳng định giá trị bản thân. Mỗi cán bộ nhân viên trong chi nhánh, đặc biệt là đội ngũ ban lãnh đạo chi nhánh cũng như những cán bộ vừa là Đảng viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn có ý thức phê và tự phê, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Mỗi cá nhân đều có ý thức tự giác trong công việc; tuân thủ nội quy, quy định của cơ quan cũng như duy trì những nét đẹp trong văn hóa công sở, văn hóa Vietcombank. Công tác đánh giá cán bộ tại chi nhánh luôn được thực hiện công khai, dân chủ, khách quan, toàn diện, không có cơ chế xin cho hay tư tưởng cá nhân, bè phái. Những trường hợp cán bộ có khuyết điểm nhưng biết nhìn nhận khuyết điểm của mình, có tinh thần cầu thị thì luôn được cơ quan, ban lãnh đạo tạo điều kiện để cải thiện bản thân, tránh vấp phải những lỗi tương tự trong tương lai. Ngược lại các trường hợp cán bộ nhân viên cố tình vi phạm nội quy, quy định của cơ quan, gây mất đoàn kết nội bộ hay nghiêm trọng hơn là vi phạm các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của ngân hàng thì ban lãnh đạo chi nhánh sẽ có những biện pháp chế tài xử lý theo quy định.

Bên cạnh những điểm tích cực đạt được thì công tác cán bộ tại chi nhánh vẫn còn những hạn chế như: So với quy mô tăng trưởng của chi nhánh trong những năm qua thì tốc độ tăng cán bộ nhân viên mới chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu về nhân sự; đôi khi vẫn có những trường hợp đánh giá cán bộ chưa được đầy đủ, mang tính cả nể ở một số phòng ban trong chi nhánh, kết quả đánh giá cá nhân sẽ phụ thuộc rất lớn vào đánh giá của lãnh đạo phòng quản lý trực tiếp; một số vị trí công việc hiện nay đòi hỏi cán bộ phải có trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng cũng như chịu được áp lực cao nhưng số lượng nhân sự có thể đáp ứng được lại không nhiều dẫn đến cán bộ làm tại một vị trí quá lâu không được luân chuyển, khối lượng công việc thường xuyên quá tải, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công việc.

Để công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tại Vietcombank Lạng Sơn đạt được những kết quả tốt hơn nữa trong thời gian tới, hỗ trợ tích cực vào sự phát triển hoạt động kinh doanh của chi nhánh thì Chi ủy, Ban giám đốc và đặc biệt là bộ phận nhân sự tại chi nhánh cần thực hiện một số công việc sau:

Một là, cần làm tốt hơn nữa việc lựa chọn, sàng lọc cán bộ từ khâu tuyển dụng đến bổ nhiệm cán bộ;

Hai là, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát đối với cán bộ và công tác cán bộ;

Ba là, thực hiện nghiêm các khâu, các quy trình trong công tác cán bộ, tăng cường luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng và lựa chọn cán bộ;

Bốn là, đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ;

Năm là, nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ tại chi nhánh;

Sáu là, hoàn thiện công tác quy hoạch cán bộ tại chi nhánh;

Bảy là, tăng cường vai trò của bộ phận nhân sự tại chi nhánh;

Tám là, thực hiện tốt chế độ chính sách đối với cán bộ.

Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Tư tưởng Hồ chí minh về cán bộ và công tác cán bộ đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị. Vận dung tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Lạng Sơn sẽ giúp chi nhánh có được một lực lượng cán bộ có đầy đủ phẩm chất, năng lực, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đưa chi nhánh ngày một đi lên.

NHÓM TÁC GIẢ (Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Lạng Sơn)