Hội thảo cấp quốc gia 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển diễn ra sáng 27/02 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, quy tụ gần 300 đại biểu, với hai phiên thảo luận chuyên đề.

Chia sẻ về tên của hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (một trong số đơn vị phối hợp tổ chức) cho hay, tên hội thảo đã chứa đựng không chỉ khát vọng của những người làm công tác quản lý về văn hóa mà trong đó còn là tâm huyết của nhiều trí thức, nhà nghiên cứu, giới trẻ.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam.
PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, trong 80 năm qua, sự ra đời của bản đề cương do cố Tổng Bí thư Trường Chinh khởi xướng đã cho chúng ta thấy lần đầu tiên có một bản đề cương mang tính chất cương lĩnh để có thể xác định được con đường phát triển của văn hóa Việt Nam với nền tảng lý luận rất hệ thống, các nguyên tắc hành động vào năm 1943 khi đất nước phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức. Đây là bản đề cương tạo ra sự khởi động, sự đột phát cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam.

Trải qua nhiều thời kỳ khác nhau, tinh thần của bản đề cương đã tạo ra sự chuyển động, thay đổi, phát triển của văn hóa Việt Nam, càng ngày càng hướng tới sự phát triển bền vững. Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam phân tích, trong bối cảnh hôm nay, chúng ta có nhiều cơ hội, tiềm năng. Việt Nam sở hữu nền văn hóa hàng ngàn năm lịch sử, với nhiều giá trị vật thể, phi vật thể, nhiều giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam.

Có thời điểm chúng ta có dân số vàng trong đó tỷ lệ người trẻ cao với khả năng chuyển hóa được các giá trị văn hóa truyền thống, sự sáng tạo, khoa học công nghệ phát triển sẽ tạo ra diện mạo mới để mà một lần nữa văn hóa trở thành một mặt trận như cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã nói rõ văn hóa là một “mặt trận” ngang hàng với kinh tế, chính trị.

"Ngày nay văn hóa sẽ là một mặt trận ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Văn hóa chính là nguồn mạch để chúng ta phát triển đất nước bền vững hơn, bảo tồn, phát huy được các giá trị văn hóa hiển thị qua các giá trị, sản phẩm văn hóa, các hoạt động văn hóa. Đó cách để chúng ta phát huy được nội lực, sức mạnh của văn hóa Việt Nam, trở thành một sức mạnh mềm trong tổng thể sức mạnh quốc gia, để có để định vị được sức mạnh Việt Nam trên bản đồ thế giới”, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương nêu.

Phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là nền tảng để Việt Nam xây dựng công nghiệp văn hóa trở thành trụ cột của kinh tế nước nhà
Phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là nền tảng để Việt Nam xây dựng công nghiệp văn hóa trở thành trụ cột của kinh tế nước nhà.

Nêu quan điểm câu chuyện phát triển văn hóa không phải chỉ riêng ngành văn hóa mà còn cần sự phối hợp đồng bộ, trách nhiệm của toàn xã hội, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho rằng: “Chúng ta cần thảo luận bàn tròn, xoay quanh các giải pháp trong giai đoạn tới. Một trong những vấn đề cần bàn là làm gì để văn hóa trở thành trụ cột của sự ưu tiên.

Trước đây, chúng ta phấn đấu văn hóa được đầu tư tối thiểu 2% từ GDP, Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn 2030 đã đưa ra mục tiêu như vậy. Vậy làm gì để văn hóa đạt được ngưỡng này, rõ ràng cần các giải pháp về thể chế, đặc biệt là hợp tác công tư, luật thuế, ưu đãi cho nghệ sĩ, tạo sự dịch chuyển trong chuỗi các hoạt động của ngành công nghiệp văn hóa”.

Ban tổ chức đặt tâm huyết vào hội thảo quốc gia này, thể hiện trách nhiệm của những người thực sự mong muốn văn hóa trở thành một mặt trận. Văn hóa muốn phát triển ngang hàng với mức đầu tư cho y tế, giáo dục nhưng hiện nay chưa đạt được điều đó.

Câu chuyện không phải của riêng ngành văn hóa mà liên quan với nhiều bộ ngành khác nhau, mong muốn tạo sự lan tỏa, chú ý để có nhiều hơn giải pháp đầu tư cho văn hóa, tối ưu hóa các nguồn lực cho văn hóa để văn hóa thực sự là một mặt trận ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Theo PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đề cương về Văn hóa Việt Nam ra đời trong bối cảnh đất nước chưa giành được độc lập, chính vì vậy, một trong những mục tiêu căn bản của việc ban hành Đề cương là dùng văn hóa để trở thành sức mạnh cho dân tộc.

Trên thực tế, văn hóa tạo nên sức mạnh thực sự cho dân tộc ta khi chúng ta sử dụng văn hóa để tạo nên sự thống nhất trong nhận thức về lòng yêu nước. Đất nước ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Chúng ta đều chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Vũ khí lớn nhất của chúng ta không phải là khí tài quân sự hiện đại mà chính là lòng yêu nước.

“Văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu vừa là động lực, là hệ điều tiết của sự phát triển xã hội là những quan điểm cơ bản cho sự phát triển văn hóa ngày nay đã bắt nguồn từ những tư tưởng đầu tiên của Đảng về phát triển nền văn hóa Việt Nam dân tộc, khoa học, đại chúng này”, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn nêu.

Minh An (T/h)