PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh: VGP
PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh: VGP

Bài 1: Sức mạnh trường tồn của văn hóa Việt Nam

Khi nghe chúng tôi trình bày mong muốn được ông chia sẻ, trao đổi về vấn đề văn hóa nêu trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội, ông nhấn mạnh: Ngay từ những ngày năm đầu thập kỷ 40 của thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã hết sức chú trọng nghiên cứu về văn hóa và lãnh đạo văn hóa. Có lẽ chúng ta nên quay ngược lại thời gian xa hơn nữa, đó là năm 1943.

Từ Đề cương văn hóa 1943

Nếu chúng ta chú ý thì ở trang cuối bản thảo của tập thơ “Nhật ký trong tù” (1942-1943), trong mục “Đọc sách, báo”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết về quan niệm văn hóa và ý nghĩa của văn hóa: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.

Cuối tháng 2/1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại Bắc Ninh, bàn các công tác chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Trên tinh thần của Nghị quyết hội nghị đó, Tổng Bí thư Trường Chinh đã soạn thảo Đề cương văn hóa Việt Nam. Đây là cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng. Tuy còn một số hạn chế nhất định nhưng trong bối cảnh lịch sử đầu thập kỷ 40 của thế kỷ XX, Đề cương đã trình bày hệ thống các quan niệm, phạm trù, các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc cuộc vận động văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đây là những dự báo khoa học về mục tiêu, tính chất, nguyên tắc, nhiệm vụ của cuộc vận động văn hóa đương thời.

Hai tháng sau khi công bố bản Đề cương, tháng 4/1943 Hội Văn hóa Cứu quốc được thành lập hoạt động bên cạnh các tổ chức cứu quốc khác của Mặt Trận Việt Minh.

Trả lời câu hỏi tại sao vấn đề văn hóa lại được Bác Hồ, được Đảng ta chú trọng đến như vậy trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, PGS.TS Đào Duy Quát nhấn mạnh: Sự chú trọng, quan tâm đến văn hóa xuất phát từ vị trí, vai trò của văn hóa và con người trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta.

Văn hóa theo nghĩa rộng nhất là toàn bộ giá trị vật chất, tinh thần do lao động của con người sáng tạo và tích lũy lại, tạo nên bản sắc của từng dân tộc, từng xã hội. Đó là “thiên nhiên thứ hai” do con người sáng tạo ra, làm thành “các giá trị vĩnh hằng của nhân loại”.

Do đó, yếu tố hàng đầu của văn hóa là sự hiểu biết, khả năng sáng tạo mà con người tích lũy được trong quá trình học tập, lao động và đấu tranh. Nhưng sự hiểu biết chỉ trở thành văn hóa khi nó trở thành nền tảng cho hành vi ứng xử của con người trong quan hệ với mọi người, với xã hội, với tự nhiên và với bản thân mình.

Theo đó, văn hóa là trình độ phát triển các quan hệ nhân tính của một xã hội, của mỗi con người. Nó được cộng đồng khẳng định thành một hệ giá trị chuẩn mực cơ bản là Chân-Thiện-Mỹ.

Văn hóa Việt Nam là thành quả của hàng nghìn năm lao động, sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh trên thế giới. Văn hóa Việt Nam hun đúc nên tâm tồn, khí phách, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Quan niệm trên đã làm nổi bật vị trí, vai trò “văn hóa soi đường quốc dân đi”. Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu, là động lực, là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Cốt lõi của hệ giá trị văn hóa là hệ tư tưởng, vì nó giữ vai trò kết dính, định hướng các chuẩn mực giá trị, các cộng đồng văn hóa.

Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa.

Trong phát triển văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 đầy tính thuyết phục và tính chiến đấu, đã trở thành ngọn cờ tập hợp, cổ vũ, động viên giới trí thức, khoa học, văn học nghệ thuật, báo chí Việt Nam đương thời vào cuộc chiến đấu quyết liệt cho sự toàn thắng của cuộc đấu tranh cách mạng dân tộc dân chủ, cho sự nghiệp phá vỡ xiềng xích của văn hóa phát xít, thực dân, bảo vệ truyền thống văn hóa dân tộc, tạo tiền đề cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới.

Đến sức mạnh văn hóa Việt Nam

Điều gì đã làm nên chiến thắng của dân tộc Việt Nam trong các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc? PGS.TS Đào Duy Quát nêu câu hỏi với chúng tôi và câu trả lời ông đưa ra đó là sức mạnh của văn hóa Việt Nam.

Câu chuyện với PGS.TS Đào Duy Quát đưa chúng tôi quay trở lại những ngày lịch sử cuối tháng 12/1972, khi Mỹ đưa máy bay B52 ra ném bom Hà Nội.

Ngay từ năm 1966, khi đế quốc Mỹ cho B52 ném bom ở đèo Mụ Giạ rồi mở rộng ra đến Vĩnh Linh (Quảng Bình), Bác Hồ đã giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không-Không quân: “Phải tìm cách đánh cho được B52”.

Đầu xuân 1968, Bác Hồ đã mời Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Phùng Thế Tài lên làm việc và Bác đã đưa ra một dự báo, nhận định thiên tài: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua... Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm - càng tốt, để có thời gian suy nghĩ chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng, ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Sau mấy năm chuẩn bị, quân và dân Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, mà nòng cốt là bộ đội phòng không-không quân đã bước vào chiến dịch lịch sử với thế trận phòng không nhân dân được bố trí tối ưu theo “Phương án đánh trả cuộc tập kích chiến lược bẳng B52 của Mỹ, bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng” được Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Văn Tiến Dũng ký duyệt ngày 24/11/1972.

Phương án lịch sử này là kết tinh bản lĩnh, khí phách, trí tuệ của Đảng vĩ đại, Bác Hồ kính yêu, quân đội nhân dân và quân chủng phòng không-không quân anh hùng.

Phương án đã được cụ thể hóa cho từng binh chủng ra đa, không quân, tên lửa, pháo cao xạ, dân quân tự vệ và được phối hợp, luyện tập nhuần nhuyễn. Ngay trong 12 ngày đêm của chiến dịch, các chiến sĩ của ta tiếp tục có những cách đánh B52 sáng tạo, đầy bản lĩnh, khí phách góp phần làm lên chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.

“Chúng ta đã phải đối mặt với lực lượng địch chiếm ưu thế áp đảo về phương tiện kỹ thuật tối tân, đặc biệt là hệ thống gây nhiễu điện tử hiện đại nhất thế giới. Nhưng chúng ta đã chiến thắng. Đây là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh văn hóa Việt Nam, sức mạnh của sự kết hợp hài hòa các yếu tố cách mạng và khoa học, bản lĩnh, khí phách, trí tuệ, tinh thần lạc quan tin tưởng và đức hy sinh cao thượng. Sự chăm lo của Đảng đối với xây dựng, phát triển văn hóa đã hun đúc, tạo ra những thế hệ con người Việt Nam làm lên kỳ tích lịch sử”, PGS.TS Đào Duy Quát khẳng định.

Theo PGS.TS Đào Duy Quát, sức mạnh của văn hóa Việt Nam đã được thể hiện trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta và văn hóa Việt Nam đang phát huy vai trò động lực, sức mạnh nội sinh trong sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững đất nước.

Vào năm 1985, Đảng ta tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV, lần thứ V, chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ VI, trước tình hình kinh tế-xã hội với những biểu hiện trì trệ trong sản xuất, rối ren trong phân phối, lưu thông, những khó khăn gay gắt trong đời sống của nhân dân, sự giảm sút niềm tin của nhân dân.

Đảng ta với quyết tâm chính trị “phải tạo cho được sự chuyển biến của tình hình, nhất là làm cho kinh tế, xã hội ổn định, lành mạnh và tiến lên”.

Để làm tròn trách nhiệm của mình trước dân tộc, “Đảng phải đổi mới nhiều mặt: Đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, đổi mới tổ chức, đổi mới đội ngũ cán bộ, đối mới phong cách lãnh đạo và công tác cán bộ”.

Với kết quả đổi mới tư duy kinh tế, Đảng ta đã nhận thức được nguyên nhân chủ yếu của tình trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội là cơ chế kế hoạch tập trung quan liêu bao cấp và Đảng đã hình thành và từng bước hoàn thiện một thể chế kinh tế, một mô hình tăng trưởng kinh tế tổng quát: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Kinh tế thị trường là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Cơ chế thị trường là cơ chế tạo động lực phát triển, nhưng mặt tiêu cực của cơ chế này là nó kích thích chủ nghĩa cá nhân cực đoan, vị kỷ, làm băng hoại các giá trị đạo đức, nhân văn. Để hạn chế, đẩy lùi mặt tiêu cực này, Đảng ta đã ra nghị quyết chiến lược về văn hóa giai đoạn mới, đó là: Chiến lược xây dựng, phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đường lối đổi mới của Đảng là kết tinh của trí tuệ, của toàn Đảng và toàn dân tộc, vừa hợp quy luật phát triển, vừa hợp lòng người, là nhân tố hàng đầu để cho nhân dân ta giành được những thắng lợi lịch sử như ngày nay. Đó cũng là một minh chứng cho sức mạnh nội sinh, sức mạnh của văn hóa Việt Nam.

PGS.TS Đào Duy Quát kể với chúng tôi cuộc trò chuyện với Giám đốc đối ngoại Đại học Havard, năm 1996, trong đó vị giáo sư này có nhận xét: Người dân Mỹ dù đang tắm mình trong dòng sông hàng hóa nhưng vẫn khát cháy những giá trị văn hóa con người.

“Đảng đã xác định nếu toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi 6 nhiệm vụ của nghị quyết này, chắc chắn chúng ta sẽ hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền tảng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng tới Chân-Thiện-Mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Với nền văn hóa và con người như thế, chúng ta không chỉ hạn chế, đẩy lùi các mặt tiêu cực của cơ chế thị trường mà thực sự là động lực, là sức mạnh nội sinh cho đất nước phát triển bền vững”, PGS.TS Đào Duy Quát trao đổi.

Gần đây nhất, chúng ta đã trải qua năm 2020, một năm đặc biệt khó khăn, có những khó khăn lường trước được và cả không lường trước được như quy mô, sự tàn phá của dịch bệnh COVID-19 đối với cả thế giới. Hơn lúc nào hết trong đại dịch, thiên tai bão lũ, tinh thần tương thân, tương ái lại được khơi dậy.

Sự vận hành thông suốt của cả bộ máy, từ Trung ương đến địa phương, “ý Đảng, lòng dân” hòa quyện cùng vượt qua thách thức, khơi dậy thêm nữa lòng tự hào dân tộc, niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, chế độ và hơn hết là lòng tin của mọi người Việt Nam, cả trong nước và nước ngoài, vào con đường đi lên của dân tộc Việt Nam.

Thực tế đó lại thêm một lần nữa minh chứng sống động cho sức mạnh trường tồn của văn hóa Việt Nam và khi được khơi dậy mỗi người dân Việt Nam lại thấy thêm yêu nước, tự hào về truyền thống dân tộc, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và yêu thương nhau nhiều hơn.

“Có thể nói, trong sự nghiệp đổi mới, tư duy, lý luận của Đảng ta về văn hóa luôn có sự kế thừa và phát triển. Văn hóa Việt Nam hun đúc nên tâm hồn, trí tuệ, bản lĩnh, khí phách Việt Nam. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực, mục tiêu thúc đẩy sự phát triển nhanh, và bền vững. Nói cách khác, văn hóa là sức mạnh nội sinh của sự phát triển thông qua việc khơi dậy mọi tiềm năng sáng tạo của con người”, PGS.TS Đào Duy Quát nhận xét.

(còn nữa)

 Theo chinhphu.vn