Trên các trang mạng xã hội, người dùng không khó để bắt gặp những bài viết với nội dung: “thanh lý sách giá rẻ”, “combo 3 sách 100k”, “xả kho”, “xả lỗ”... với giá rẻ như cho; kèm theo đó là vô vàn lời mời chào “mật ngọt”, sức hấp dẫn của những tựa sách mới nổi, đang “hot” trên thị trường hay những cuốn sách đã dừng xuất bản nhưng vẫn được nhiều độc giả săn đón.
Chẳng biết từ bao giờ sách lại bị đem ra chào bán như mớ rau, mớ cá ngoài chợ vậy; thậm chí, xu hướng “treo” sách thật, bán sách giả xuất hiện đầy rẫy trên các sàn thương mại điện tử, muốn mua giá nào có giá đó, dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.
Theo “thông lệ” thường là sách thật ra mắt thì sách lậu mới ra theo. Nghĩa là sách lậu luôn ra sau sách thật, do các đầu nậu làm sách lậu phải chờ sách thật ra thị trường có ăn khách không mới làm sách lậu. Ngoài ra, sách thật ra trước, các đầu nậu mới có khuôn mẫu trình bày, hình bìa để nhái theo.
Thế nhưng, “công nghệ làm sách lậu” ngày càng trở nên tinh vi và bất chấp dư luận. Bây giờ, một số trường hợp sách lậu, sách nhái còn xuất hiện trên thị trường trước cả sách thật. Đến nỗi mà khi sách thật được xuất bản, bạn đọc lại tưởng sách thật, sách có bản quyền là sách nhái!
Bạn H một độc giả lâu năm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cuốn sách làm nên tên tuổi của ông như: “Kính vạn hoa”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”... Tuy nhiên, do gia đình chuyển nhà, H bị thất lạc và phải tìm mua lại những cuốn sách mình yêu thích. Ấy vậy mà “đời không như mơ”: “Hôm đấy, bạn bè mách em đi hội chợ sách săn sale, giá rẻ, biết đâu tìm lại được những tập sách cũ mà em đang mong muốn. Đúng thật, đến đấy sách gì cũng có, sách mới tinh bọc trong giấy bóng, được nhân viên báo giá chỉ bằng 30% -50% so với giá gốc. Về nhà, lật những cuốn sách vừa mua em mới “tá hỏa” đây là sách giả. Các hàng chữ xô lệch, nhiều trang chữ bị nhòe, chất lượng in kém, giấy cong vênh...”, H chia sẻ.
“Cuộc chiến” sách giả, sách lậu dường như không có chỗ cho từ “dừng lại” khi nó được biến hóa muôn hình vạn trạng, dưới cả hình thức sách nói (audio book) và ebook (sách điện tử) với tốc độ lan truyền chóng mặt.
Điều đó khiến cho tác giả, nhà xuất bản ảnh hưởng về mặt kinh tế, uy tín. Còn đối với độc giả, nếu mua phải sách giả, sách lậu không được biên tập, thẩm định nội dung, thậm chí có nhiều nội dung vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật, tác động tiêu cực đến việc tiếp nhận thông tin, tri thức, niềm tin của người đọc. Vô hình chung, dẫn tới sự ăn mòn văn hóa đọc, văn hóa thưởng thức của công chúng.
Năm 2022, toàn ngành xuất bản đã thực hiện 1.632 cuộc thanh kiểm tra (tăng 126% so với năm 2021), thu hồi, tiêu hủy trên 128.476 ấn phẩm; xử lý 7,27 tấn bán thành phẩm không rõ nguồn gốc, xử phạt trên 1 tỷ đồng. Theo các chuyên gia về sách, để nhận diện các hành vi in lậu, làm giả xuất bản phẩm, gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm, có một số vấn đề cần đặt ra như nhận diện từ công tác quản lý cho đến sản phẩm vi phạm và phương thức thực hiện.
Sách lậu bây giờ không chỉ đơn thuần là bản in giấy mà còn phát hành trực tiếp trên không gian mạng, sàn thương mại điện tử, sử dụng các mạng xã hội để quảng cáo sách. Về địa bàn cũng có sự mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố cả trong nước và ngoài nước.
Về đối tượng vi phạm cũng rất đa dạng, từ cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ đến các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài…; từ những đối tượng không hiểu biết về pháp luật đến những đối tượng am hiểu chuyên môn, pháp luật.
Trong khi đó, quy mô vi phạm ngày càng lớn, tính chất ngày càng phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều địa bàn, một vụ việc bị phát hiện có nhiều hành vi vi phạm và nhiều đối tượng tham gia.
Những loại sách thường bị in lậu gồm: Sách giáo khoa, tham khảo, giáo trình; sách dạy và học ngoại ngữ; sách văn học; sách phổ biến kiến thức, sách chính trị, pháp luật; thậm chí cả sách “đen”. Sách “đen” là loại sách đặc biệt nguy hại, còn được gọi là sách độc hại hay sách “ngoài luồng”. Mặc dù không được phép xuất bản nhưng những loại sách này vẫn xuất hiện trên thị trường nên cũng thuộc loại sách in lậu.
Một số sàn thương mại điện tử lách luật bằng cách kết hợp phát hành xuất bản phẩm không vi phạm với xuất bản phẩm in lậu, làm giả; quảng cáo giảm giá, đại hạ giá; sử dụng các trang mạng xã hội để quảng cáo, bán sách lậu, sách giả; lợi dụng công nghệ photocopy, công nghệ số để sao chép, chuyển đổi định dạng để làm lậu, làm giả xuất bản phẩm phát hành tại các điểm bán lẻ, trung tâm đào tạo, trên mạng, trên website thương mại điện tử.
Đứng trước những cuốn sách “giả như thật” rất khó để nhận biết, vậy nên mỗi cá nhân chúng ta hãy là những độc giả sáng suốt, tự nâng cao ý thức của mình khi lựa chọn sách. Một cuốn sách được xuất bản “nghiêm chỉnh” luôn đầy đủ thông tin chi tiết tại một trang riêng bao gồm: Tên cuốn sách, NXB, chịu trách nhiệm xuất bản và bản thảo, biên tập, bìa, trình bày, sửa bản in, mã tiêu chuẩn, lượng bản in, in tại, khổ sách, số giấy phép, quyết định số, thông tin nộp lưu chiểu.
"Cuộc chiến” chống sách giả, sách lậu rất cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, kiên quyết nói không với sách lậu, sách giả, chỉ ủng hộ và mua sách của những nhà xuất bản uy tín. Đồng thời, khi phát hiện sách lậu, sách giả, bạn đọc cần chủ động cung cấp thông tin để cơ quan chức năng kịp thời xử lý; trường hợp nghiêm trọng có thể tố cáo, kiện ra tòa những đối tượng kinh doanh và in ấn sách lậu, sách giả. Có như vậy, mới hình thành và lan tỏa văn hóa đọc lành mạnh trong cộng đồng.
Hà Trần