Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Văn phòng TT 389 tổng kết kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu trên tuyến biên giới

Ngày 20/4/2018, tại Quảng Ninh, Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia đã tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Kế hoạch số 243/KH-VPTT ngày 28/6/2017 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về việc đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở trên địa bàn các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cào Cai.

Báo cáo tại Hội nghị, trước khi thực hiện Kế hoạch, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa diễn biến rất phức tạp trên tuyến biên giới các tỉnh phía Bắc. Tại một số nơi, đã hình thành các tụ điểm tập trung đông người ngay sát đường biên cả ngày và đêm để mang vác, bốc xếp hàng hóa trái phép qua đường mòn trên núi, đồi, qua nhà dân, khu vực đất giao rừng, qua sông biên giới.

Các đối tượng đa số là dân di trú làm nghề bốc vác, vận chuyển hàng hóa thuê, thường xuyên xuất cảnh trái phép qua các đường mòn lối mở, sau đó nhận hàng và vận chuyển trái phép hàng qua biên giới về Việt Nam. Số hàng hóa này sau khi qua biên giới, được đưa lên các phương tiện xe máy, xe ô tô hoán cải, đò... để tập kết về các kho, chợ khu vực gần cửa khẩu.

Hàng hóa này sẽ được trà trộn vào các lô hàng nhập khẩu chính ngạch, hàng cư dân biên giới, hợp lý hóa bằng hóa đơn xuất bán hàng của doanh nghiệp, hộ kinh doanh khu vực biên giới để vận chuyển về các tỉnh tiêu thụ. Hàng ngày có chục lượt xe ô tô tải, xe khách hoán cải các loại vận chuyển hàng lậu vào nội địa.

Tại các cửa khẩu, các đối tượng thường gian lận về chủng loại, số lượng hàng hóa. Lợi dụng thủ tục hải quan tự động, ưu đãi về loại hình, thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để buôn. Bên cạnh đó, chính sách miễn thuế đối với hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới cũng bị các đối tượng lợi dụng.

Các đối tượng thuê cư dân biên giới vận chuyển hàng hóa qua các cửa khẩu về Việt Nam sau đó đươc thu gom, tập kết tại một điểm. Số hàng hóa này sẽ được hợp thức hóa bằng những tờ hóa đơn bán hàng để vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.

Căn cứ vào tình hình trên, ngày 28 tháng 6 năm 2017, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan đã xây dựng Kế hoạch số số 243/KH-VPTT, Kế hoạch này đã được Phó trưởng Ban thường trực ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đinh Tiến Dùng, Bộ trưởng Bộ tài chính phê duyệt.

Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan là đơn vị chủ trì, sử dụng lực lượng và các trang thiết bị kỹ thuật  nghiệp vụ chuyên dùng phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai triển khai lực lượng kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, bắt giữ các hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, vặn chuyển hàng hóa qua các đường mòn, lối mở biên giới và buôn lậu, gian lận thương mại tại các cửa khẩu. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia với vai trò là cơ quan tham mưu, thu thập thông tin, hỗ trợ phối hợp lực lượng, kiểm tra đôn đốc, năm diễn biến tình hình để hỗ trợ các lực lượng chức năng tham gia thực hiện kế hoạch.

Đồng thời, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc và những phát sinh trong quá trình triển khai Kế hoạch để kịp thời báo cáo, tham mưu cho Ban Chỉ đạo chỉ đạo kịp thời.

Để triển khai kế hoạch, trong tháng 7, 8 năm 2018, Lãnh đạo văn phòng Thường trực và Cục Điều tra chống buôn lậu đã trưc tiếp làm việc với Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh cùng bàn bạc, thống nhất và xây dựng các kế hoạch, phương án cụ thể cho từng địa bàn, từng khu vực.

Theo đó thành lập các tổ công tác gồm nhiều lực lượng chốt chặn tại các điểm được xác định là trọng điểm, sử dụng thiết bị nghiệp vụ kiểm soát 24/24 tình trạng xuất nhập cảnh trái phép và mang vác hàng trái phép qua biên giới; tổ chức ngăn chặn, bắt giữ tại nhiều tuyến đường vận chuyển từ biên giới vào các điểm tập kết, các kho hàng. Bên cạnh đó, luôn có tổ điều phối lực lượng gồm lãnh đạo các lực lượng chức nằng tham gia thực hiện Kế hoạch và Văn phòng Thường trực.

Nhìn chung kết quả bắt giữ, xử lý các vụ buôn lậu, gian lận thương mại tại 3 tỉnh trong thời gian triển khai thực hiện kế hoạch đều tăng cao so với thời gian trước khi thực hiện kế hoạch (trước tháng 7/2017), cụ thể:

 Quảng Ninh: Tổng số vụ vi phạm đã kiểm tra, bắt giữ, xử lý: 1319 vụ, tăng so với tháng 7 năm 2017 từ 31,8% đến 79,1%; Trị giá hàng hóa 32,52 tỷ đồng, tăng từ 67,1% đến 126% so với tháng 7 năm 2017.

 Lạng Sơn: Tổng số vụ vi phạm đã xử lý 2.324 vụ việc (bằng 98,7% so với 6 tháng đầu năm 2017), xử phạt vi phạm hành chính 16.658,1 triệu đồng (tăng 90,0% so với 6 tháng đầu năm 2017), truy thu thuế, phạt bổ sung 12.797,5 triệu đồng (tăng 22,7% so với 6 tháng đầu năm 2017), tịch thu hàng hóa trị giá 48.753,3 triệu đồng (tăng 34,4% so với 6 tháng đầu năm 2017).

Trong 2 tháng đầu năm 2018, đã kiểm tra, xử lý 905 vụ việc (tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2017), xử phạt vi phạm hành chính 3.016,2 triệu đồng (tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2017), truy thu thuế, phạt bổ sung 4.383,3 triệu đồng (tăng 85,3% so với cùng kỳ năm 2017), tịch thu hàng hóa trị giá 7.573,2 triệu đồng (bằng 68,0% so với cùng kỳ năm 2017).

Lào Cai: Xử lý vi phạm về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới: Tổng số vụ xử lý 344 vụ (tăng 111 vụ, bằng 147,6% so với thời điểm trước tháng 7/2017). Tổng giá trị xử lý 9.685,762 triệu đồng (tăng 41,9% so với thời điểm trước tháng 7/2017), trong đó xử lý VPHC đạt 1.839,9 triệu đồng (tăng 10,8% so với thời điểm trước tháng 7/2017), trị giá hàng hóa vi phạm 7.845,862 triệu đồng (tăng 52% so với thời điểm trước tháng 7/2017).

Xử lý vi phạm trong lĩnh vực thuế: Tổng số vụ xử lý 313 vụ (tăng 158 vụ, bằng 201,9% so với thời điểm trước tháng 7/2017), số tiền phạt 7.393,81 triệu đồng (tăng 103,2% so với thời điểm trước tháng 7/2017), số tiền truy thu thuế đạt 31.175,508 triệu đồng (tăng 292,8% so với thời điểm trước tháng 7/2017).

Cục Điều tra chống buôn lậu đã phối hợp với các đơn vị chức năng tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Hưng Yên, Bắc Giang, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về Ma tuý, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt thu thập thông tin, sàng lọc đối tượng, tổ chức bắt giữ 36 xe ôto vận chuyển hàng lậu.

Từ khi triển khai Kế hoạch 243, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua các đường mòn, lối mở biên giới trên toàn tuyến thuộc tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh đã có sự chuyển biến tích cực.

Tại các điểm biên giới như khu vực hai bên cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, Hữu Nghĩ của tỉnh Lạng Sơn; khu vực Móng cái của tỉnh Quảng Ninh không còn tồn tại các tụ điểm tập trung đông người, vận chuyển hàng lậu công khai, ngang nhiên. Các đối tượng đã có dấu hiệu thay đổi phương thức xé nhỏ hàng hóa, đi từng nhóm nhỏ lợi dụng đêm tối, giờ thay ca và mở những lối mòn mới để vận chuyển hàng.

Các đơn vị chức năng đã nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu tại địa bản, số vụ bắt giữ, xử lý các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại, trốn thuế đã tăng so với các thời điểm trước đó và cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó trị giá hàng hóa vi phạm bị bắt giữ, xử lý, nộp ngân sách đều tăng.

Có nhiều mặt hàng tiêu dùng có thuế suất cao trước kia được các đối tượng tổ chức vận chuyển trái phép qua biên giới nhưng nay đã được làm thủ tục, khai báo nhập khẩu qua các cửa khẩu theo đúng quy định, cụ thể  như các loại  hàng bách hóa, giầy dép, quần áo, đồ gia dụng, đồ điện tử, hoa quả khô… nhập theo hình thức nhập kinh doanh tiêu dùng đã tăng đáng kể vể cả số lượng và kim ngạch; số thuế thu nộp ngân sách nhà nước tại nhiều chi cục hải quan tăng vượt bậc so với cùng kỳ năm 2016 và các tháng trước khi triển khai kế hoạch; phát sinh một số doanh nghiệp mới đã đăng ký để làm thủ tục nhập khẩu qua các Chi cục hải quan cửa khẩu…

Văn phòng TT 389 tổng kết kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu trên tuyến biên giới - Hình 1

                     Hội nghị có sự tham gia của nhiều lực lượng chức năng (Ảnh: K. Dung)

Việc sử dụng hệ thống phương tiện, thiết bị chuyên dụng giám sát trực tuyến đạt hiệu quả cao. Diễn biến tình hình, hành vi vi phạm của các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá đã được ghi nhận bằng hình ảnh, truyền trực tiếp Trung tâm giám sát tại Hà Nội đã giúp cho lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Văn phòng Thường trực, lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 các địa phương, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Hải quan xử lý, chỉ đạo chính xác, kịp thời, chấn chỉnh công tác quản lý của các lực lượng chức năng tại địa bàn.

Với việc áp dụng Hệ thống giám sát trực tuyến đã đưa ra một hướng mới trong công tác chỉ đạo, điều hành đấu tranh chống buôn lậu, giúp cho lãnh đạo các cấp nắm bắt thực tiễn tình hình, đồng thời có tính răn đe đối tượng buôn lậu. Mặt khác là biện pháp hiệu quả trong phòng ngừa tiêu cực, đảm bảo thực hiện nghiêm kỷ cương công vụ của các cơ quan chức năng. Thông tin, hình ảnh của hệ thống giám sát cũng là tư liệu thuyết phục, khách quan phục vụ công tác tuyên truyền phòng, chống buôn lậu.

Công tác phối hợp lực lượng từ trung ương đến các lực lượng tại địa phương đã được cải thiện, hiệu quả hơn. Đặc biệt tại Lạng Sơn, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã huy động chính quyền địa phương các cấp vào cuộc một cách quyết liệt. Các biện pháp triển khai trong Kế hoạch 243 vừa đồng bộ, vừa mang tính trọng tâm, trọng điểm.

Trong thời gian thực hiện Kế hoạch, các đơn vị chức năng của tỉnh 3 tỉnh biên giới trọng điểm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai và các tỉnh nội địa (Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh,...), cùng lực lượng nòng cốt của Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm Ma tuý,... đều được huy động để cùng phối hợp đấu tranh hiệu quả.

Việc triển khai giám sát trực tuyến, kết hợp lực lượng tại chỗ, tập trung vào các điểm, đường mòn lối mở có hoạt động buôn lậu phức tạp đã tránh được việc dàn trải lực lượng trên tuyến biên giới dài, địa hình phức tạp. Các biện pháp kiểm soát chặt đường mòn, lối mở biên giới được triển khai đồng bộ với kiểm tra các tụ điểm tập kết hàng hoá, chấn chỉnh công tác quản lý dân cư khu vực biên giới, kiểm tra, bắt giữ phương tiện vận chuyển hàng lậu tại nội địa đã tạo ra thế trận thống nhất trên toàn tuyến, phần nào đã đánh trúng đối tượng buôn lậu có tính tổ chức, đường dây.

 Qua công tác kiểm tra, đôn đốc Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã kịp thời phát hiện nhiều vấn đến còn hạn chế trong công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu của các lực lượng tại biên giới, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng ngoài biên giới và các lực lượng trong nội địa.

Việc kiểm tra, phát hiện, bắt giữ các đối tượng cầm đầu, chủ mưu chưa hiệu quả. Có một số cá nhân, đơn vi có biểu hiện buông lỏng, thiếu trách nhiệm. Các nội dung này đã được Văn phòng Thường trực báo cáo, tham mưu cho Ban Chỉ đạo và đã có ý kiến chỉ đạo, chấn chỉnh, yêu cầu xử lý trách nhiệm.

Tiếp tục phát huy kết quả đạt được của Kế hoạch 243, trong thời gian tới, Văn phòng Thường trực sẽ tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng, Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh triển khai nhiều giải pháp cụ thể hơn để từng bước khắc phục các tồn tại, bất cập đã phát hiện, từng bước ngăn chặn hiệu quả buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Viết Mạnh

Bài liên quan

Tin mới

KEIDANREN coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất
KEIDANREN coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất

Nhật Bản tiếp tục duy trì là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là đối tác thứ nhất về cung cấp vốn vay ODA; thứ hai về lao động; thứ ba về đầu tư và thứ tư về thương mại.

Xuất hiện mưa đá ở Sơn La, rau màu dập nát, mận hậu Mộc Châu rụng la liệt mặt đất
Xuất hiện mưa đá ở Sơn La, rau màu dập nát, mận hậu Mộc Châu rụng la liệt mặt đất

Chiều ngày 28/3, tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã xảy ra mưa đá trên diện rộng kèm theo gió mạnh, gây thiệt hại đến hoa màu của nông dân. Nhiều vườn mận hậu ở Mộc Châu, quả non rụng la liệt trên mặt đất, lẫn với những viên đá to.

Khai trương Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính quận Dương Kinh
Khai trương Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính quận Dương Kinh

Ngày 28/3, tại Trung tâm Hành chính quận Dương Kinh, UBND quận Dương Kinh (TP. Hải Phòng) tổ chức khai trương Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính quận. Tham dự chương trình có các đồng chí: Đào Văn Ninh, Bí thư Quận uỷ; Nguyễn Minh Phương, Phó Bí thư Quận uỷ, Chủ tịch UBND quận; Vũ Bình Dương, Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ, Chủ tịch HĐND quận; cùng các đồng chí lãnh đạo, cán bộ quận và các phường trên địa bàn.

Triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW và Nghị quyết số 847-NQ/QUTW bằng nhiều nội dung, giải pháp sáng tạo
Triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW và Nghị quyết số 847-NQ/QUTW bằng nhiều nội dung, giải pháp sáng tạo

Ngày 28/3, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng TP. Hải P tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; 2 năm thực hiện Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới (2021-2023).

UIM F1H2O World Championship Grand Prix of Binh Dinh 2024 sẵn sàng cho ngày khai mạc
UIM F1H2O World Championship Grand Prix of Binh Dinh 2024 sẵn sàng cho ngày khai mạc

Ngày 28/3, tại Trung tâm Báo chí Tocepo Đầm Thị Nại, đường Đống Đa, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định diễn ra buổi họp báo công bố Giải đua vô địch thế giới thuyền máy nhà nghề (UIM F1H2O World Championship Grand Prix of Binh Dinh). Đây là Giải đua vô địch thế giới thuyền máy nhà nghề lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam.

Bộ Công Thương ban hành Công điện thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với kinh doanh xăng dầu
Bộ Công Thương ban hành Công điện thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với kinh doanh xăng dầu

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Công điện gửi Tổng cục Quản lý thị trường và các Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.