Liên quan đến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi tổng mức đầu tư 34.500 tỷ đồng xuống cấp, liên tục xuất hiện những thông tin liên quan đến VEC chỉ định thầu sai luật. Mới đây, trong văn bản số 1603/VEC-KVS về việc xã hội hoá các trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường cao tốc, dự án do VEC làm chủ đầu tư do Kiểm soát viên VEC Trương Việt Đông gửi Bộ GTVT có nói đến 8 trạm dừng nghỉ không qua đấu thầu.
8 trạm dừng nghỉ không qua đấu thầu
Theo văn bản của Kiểm soát viên VEC Trường Việt Đông gửi Bộ GTVT có 8 trạm dừng nghỉ do VEC là chủ đầu tư không qua đấu thầu, tập trung ở 3 tuyến đường cao tốc. Cụ thể:
Thứ nhất, dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình
Trạm dừng nghỉ Km227 giá trị hợp đồng giai đoạn I là 62 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn chưa xác định (tính đến thời điểm tháng 5/2015). Đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần đầu tư dịch vụ thương mại Tân Thịnh.
Thứ hai, dự án cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây
Trạm dừng nghỉ Km41+100, giá trị trúng thầu là 225 tỷ đồng, đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc Phòng (công ty của Đinh Ngọc Hệ - tức Út “trọc”)
Thứ ba, dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Trạm dừng nghỉ Km22+900 giá trị hợp đồng giai đoạn 1 là 113 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn tạm xác định là 21 năm. Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Phước An
Trạm dừng nghỉ Km57+500 giá trị hợp đồng giai đoạn 1 là 19 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn tạm xác định là 28 năm. Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Tuấn Tú – Phú Thọ
Trạm dừng nghỉ Km117+500 giá trị hợp đồng là 39,5 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn là 18 năm. Đơn vị trúng thầu là Công ty CP Phú Thịnh – Phú Thọ.
Trạm dừng nghỉ Km171+500 bên trái tuyến, đơn vị trúng thầu là Công ty Vietbus.
Trạm dừng nghỉ Km171+500 bên phải tuyến, đơn vị trúng thầu là Công ty VECS, công ty con của VEC.
Trạm dừng nghỉ Km236+940 giá trị hợp đồng khoảng 147,4 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn chưa xác định (tính đến thời điểm tháng 5/2015). Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH đầu tư dịch vụ Long Hải.
“Vừa đá bóng, vừa thổi còi”
Trong văn bản, kiểm soát viên VEC Trương Việt Đông chỉ rõ tình trạng nhà đầu tư được ưu ái đến mức “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Theo đó, Nhà đầu tư tự lập phương án thiết kế, dự toán, tính toán phương án tài chính của dự án trình VEC xem xét, đàm phán ký hợp đồng. Văn bản khẳng định, việc lựa chọn nhà thầu như vậy là ngược trình tự đầu tư xây dựng cơ bản.
Ngoài ra, Tổng mức đầu tư cho các công việc cần xã hội hoá tại các trạm dừng nghỉ không được VEC phê duyệt để quản lý chi phí. Không có kế hoạch đấu thầu, dự toán giá gói thầu, hồ sơ yêu cầu và chấm thầu.
Một điểm đáng lưu ý, các thủ tục còn được thực hiện theo dạng “đi đêm” như không tổ chức công khai kêu gọi nhà đầu tư tham gia hợp tác đầu tư trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc (ví dụ đăng báo mời nhà đầu tư); Không tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật đấu thầu.
Văn bản cũng nêu rõ, VEC không quản lý được chi phí đầu vào, không thẩm định lại thiết kế, dự toán, không có quy định chặt chẽ, đầy đủ về việc thẩm tra, phê duyệt quyết toán phần chi phí đầu tư thực hiện này để làm cơ sở tính toán lại phương án tài chính, thời gian hoàn vốn cho nhà đầu tư vào lợi nhuận của VEC.
Trong văn bản số 1603/VEC-KVS, ông Đông cũng cảnh báo, tất cả các tồn tại nêu trên có thể dẫn tới tổng vốn đầu tư của tất cả các trạm dịch vụ trên tuyến cao tốc là chưa phù hợp. Hiện nay vốn đầu tư đều dựa trên đề xuất của Nhà đầu tư nên có chi phí lớn, dẫn đến thời gian hoàn vốn bị kéo dài. VEC không có lợi nhuận, không tăng hiệu quả kinh tế của các dự án đường cao tốc.
Về trách nhiệm, văn bản khẳng định VEC là đơn vị xây dựng phương án đầu tư cụ thể cho từng dự án trạm dừng nghỉ. Hội đồng thành viên VEC chịu trách nhiệm quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và báo cáo Bộ GTVT các vấn đề vượt thẩm quyền. Nhưng tất cả các trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc đều không được VEC xây dựng phương án đầu tư cụ thể cho từng dự án mà đã lựa chọn nhà đầu tư là không đúng với hướng dẫn tại văn bản số 9570/BGTVT-KHĐT.
VEC bị ‘tố’ chỉ định thầu sai luật
Trước đó, liên quan đến vụ việc đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi vừa làm xong đã xuống cấp, mới đây, thêm một doanh nghiệp lên tiếng ‘tố’ Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) có vấn đề trong việc chỉ định thầu.
Đó là văn bản của ông Nguyễn Văn Gấm, Giám đốc Công ty TNHH và Thiết bị Nam Hải gửi Văn phòng Chính phủ .
Trong đơn, ông Gấm khẳng định trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt trong điều hành chính phủ, được nhân dân và doanh nghiệp cả nước ủng hộ, đặc biệt, việc giảm thiểu các thủ tục hành chính, xã hội hoá đầu tư công, tạo điều kiện để phát triển doanh nghiệp, hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần cùng bình đẳng trước pháp luật để phát triển.
Theo ông Gấm, mọi vấn đề về việc làm của các doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá đều tự tìm kiếm, chuyển nghề hoặc đấu thầu để có việc làm, hiện tại các doanh nghiệp phải cạnh tranh đấu thầu các gói thầu có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên để có việc làm.
Trong khi đó, VEC là doanh nghiệp có vốn nhà nước lại thành lập một loạt các doanh nghiệp mới, có vốn nhà nước mới như: Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Đường cao tốc Việt Nam (VEC E), Công ty cổ phần vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M), Công ty cổ phần Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VEC S)... tất cả đều thuộc VEC.
Các công ty con này được chỉ định thầu thực hiện quản lý bảo trì và thực hiện thu phí tuyến đường Nội Bài – Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây... với giá trị giao thầu không qua đấu thầu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Vị này nói thêm tại Tổng Cục đường bộ Việt Nam (ĐBVN) và các địa phương, gói thầu từ 500 triệu đồng trở lên đã phải đấu thầu.
Mặt khác, vì lý do gì mà VEC không “đặt hàng” công việc bảo trì cho các đơn vị nhà nước có kinh nghiệm (là doanh nghiệp sau cổ phần hoá) hoặc giao Tổng Cục ĐBVN đấu thầu mà lại giao cho các đơn vị do VEC mới thành lập như: VEC S, VEC O&M, VEC E... thuộc VEC?
VEC E được thành lập từ tháng 4/2010; VEC O&M được thành lập năm 2010; VEC S được thành lập từ tháng 3/2008...
Văn bản của Công ty TNHH và Thiết bị Nam Hải khẳng định đáng chú ý, dù được chỉ định thầu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm trong công tác bảo trì các tuyến cao tốc thuộc VEC quản lý, nhưng các doanh nghiệp thuộc VEC gần như không có máy móc, thiết bị để hoạt động công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến cao tốc được giao.
Bất cập việc “ăn chia” ở các trạm dịch vụ?
Các trạm dừng nghỉ đều đã được đầu tư san lấp hạ tầng, đường nối từ đường chính, đường địa phương vào trạm dừng nghỉ, bãi đỗ xe, lát vỉa hè, hàng rào bằng nguồn vốn của VEC. Nhưng trong phương án tàu chính và Hợp đồng kinh tế giữa VEC và nhà đầu tư chưa tính toán phân chia lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh trạm dịch vụ cho VEC. Điều này là không hợp lý.
Theo moitruongvadothi.vn