Trong 2 ngày 4-5/10, đoàn đại biểu cấp cao Campuchia do Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen dẫn đầu có chuyến thăm chính thức Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Chuyến thăm diễn ra chỉ một tuần sau khi Việt Nam và Campuchia tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia ngày 26/9/1989.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 12/2018 (Ảnh: Trọng Phú)
Nghĩa tình đặc biệt Việt Nam-Campuchia
30 năm đã trôi qua kể từ khi quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Campuchia. Mỗi khi nhắc đến sự giúp đỡ vô tư, trong sáng, chí tình, chí nghĩa của Việt Nam, người dân Campuchia vẫn không thể quên những gì “Đội quân nhà Phật”- cách họ gọi quân tình nguyện Việt Nam - đã làm để hồi sinh dân tộc Campuchia, từng bước khắc phục những hậu quả khủng khiếp, sự tàn phá, đảo lộn mà chế độ Pol Pot đã gây ra.
Từng nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ tích cực của Việt Nam trong cuộc chiến chống chế độ Pol Pot, Thủ tướng Campuchia Hun Sen hiểu rõ tính chính nghĩa của Việt Nam khi quyết định đưa quân tình nguyện vào Campuchia vào ngày 1/7/1979 bất chấp muôn trùng khó khăn bủa vây trong nước và tình hình quốc tế hết sức phức tạp và nhạy cảm vào thời điểm đó.
Ông Hun Sen đã không ít lần nhắc đến sự giúp đỡ của Việt Nam với niềm cảm kích đặc biệt. Trong trong chuyến thăm Việt Nam ngày 2/1/2012, Thủ tướng Campuchia đã có những chia sẻ chân thành: "Trên thế giới này có đất nước nào đã giúp nhân dân Campuchia, đặc biệt là giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và ngăn cản sự quay lại của chúng? Câu trả lời chính là nhân dân và quân đội Việt Nam! Nhân dân Campuchia có niềm tin, chỉ có tiên có Phật mới cứu giúp được những phận người khi gặp khó khăn khốn cùng. Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu tiên Phật tới cứu thì bộ đội tình nguyện Việt Nam xuất hiện. Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật”.
Mới đây nhất, hồi tháng 5/2019, Nghị sĩ Hun Many đã nhắc lại hành động đầy nghĩa tình của Việt Nam trong thời điểm “cả thế giới nhắm mắt làm ngơ suốt 3 năm 8 tháng 20 ngày” người dân Campuchia phải sống dưới “địa ngục trần gian” của chế độ Pol Pot để đáp trả quan điểm lệch lạc rằng, Việt Nam đưa quân tình nguyện sang Campuchia để chiếm đóng nước này.
"Thế giới không nên quên người dân Campuchia đã phải chịu đựng những gì. Trong khoảng thời gian 3 năm 8 tháng 20 ngày, vì thế giới nhắm mắt làm ngơ với chúng tôi nên 3 triệu người vô tội đã chết dưới tay Khmer Đỏ. Trong khi tất cả đều đang chơi trò chính trị, người Campuchia đã cầu mong không quan trọng đó là ai và sự giúp đỡ đến từ đâu, chỉ cần chúng tôi được cứu khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Và rồi cuối cùng, chỉ có nước láng giềng Việt Nam chìa tay ra giúp đỡ", ông Hun Many nhấn mạnh.
Người dân Campuchia tiễn quân tình nguyện Việt Nam về nước (Ảnh tư liệu)
Nền tảng thúc đẩy hợp tác toàn diện
Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam-Campuchia đã đạt được những bước tiến quan trọng, chỉ riêng trong năm 2019, hai bên đã liên tục tiến hành nhiều chuyến thăm cấp cao giữa lãnh đạo 2 nước.
Trong đó, đáng chú ý có chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong 2 ngày 25-26/2 tới Campuchia; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Hội nghị Diễn đàn liên nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 28 (APPF 28) trong 3 ngày 14-16/1 tại Campuchia và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin thăm chính thức Việt Nam trong 3 ngày 28-30/5.
Việt Nam ủng hộ Campuchia ứng cử là thành viên Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2017 -2019. Campuchia ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Điều hành liên minh bưu chính thế giới (IPU) nhiệm kỳ 2017-2020, Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2017-2021, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Hai bên cũng đã nhất trí phối hợp trong năm 2020 khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch ASEAN và Campuchia tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM 13).
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Campuchia tăng trưởng đều qua từng năm và đạt mức tăng trưởng vượt bậc trong năm 2018 với hơn 4,7 tỷ USD (tăng 24% so với năm 2017), 8 tháng đầu năm 2019 đã đạt hơn 3 tỷ USD. Dự kiến cả năm nay, kim ngạch thương mại hai nước sẽ đạt mốc 5 tỷ USD như cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra.
Tính đến nay, Việt Nam nằm trong năm nước có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất tại Campuchia. Việt Nam đã có 214 dự án đăng ký đầu tư sang Campuchia với tổng vốn đầu tư đạt 3,074 tỷ USD. Trong đó, có 176 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 2,77 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, đầu tư của Campuchia vào Việt Nam cũng tiến triển tích cực với 18 dự án, tổng vốn đầu tư trên 58,1 triệu USD.
Hiện nay, tại Campuchia có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đứng vững và phát triển mạnh như các ngân hàng BIDV, Agribank, Sacombank, MB, SHB. Trên lĩnh vực viễn thông, Metfone là thương hiệu đứng đầu tại Campuchia, tích cực hỗ trợ cho người dân nước này tiếp cận với viễn thông, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đang trồng và khai thác gần 100.000 ha cao su, tạo nhiều việc làm cho người lao động, góp phần phát triển hạ tầng điện, đường, trường, trạm cho các vùng nông thôn Campuchia. Bệnh Viện Chợ Rẫy - Phnom Penh, Vietnam Airlines, Angkor Milk cùng các doanh nghiệp gốc Việt như Công ty MekongNet, Bệnh viện Chak Angre cũng đang gây dựng được uy tín với người dân bản địa.
Trong những năm qua, hai bên đã đẩy mạnh kết nối giao thông nhằm phát huy hơn nữa thế mạnh của mỗi nước. Hai bên đã hoàn tất đàm phán Bản Ghi nhớ về Chiến lược hợp tác giao thông vận tải Việt Nam-Campuchia giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn đến 2030, khánh thành cây cầu biên giới Long Bình - Chrey Thom vào tháng 4/2017 và thông xe vận tải tại cặp cửa khẩu Lệ Thanh – Oyadav vào tháng 7/2017.
Hàng năm, Việt Nam dành cho Campuchia hàng trăm suất học bổng đào tạo dài hạn và ngắn hạn, trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Campuchia cũng dành cho Việt Nam 35 suất học bổng, bao gồm 15 học bổng đại học và sau đại học, 20 học bổng ngắn hạn đào tạo ngôn ngữ, văn hóa Khmer.
Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Campuchia Hun Sen vì thế được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định và mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Theo VOV