Ảnh minh hoạ (Ảnh: internet)
Cụ thể, dự kiến, ngày 16/9, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao sẽ xuất khẩu lô hàng chanh leo và Công ty TNHH Vĩnh Hiệp 404 xuất khẩu cà phê; ngày 17/9 Công ty VINA T&T Group cũng sẽ xuất khẩu lô rau quả gồm bưởi, dừa, thanh long với những ưu đãi theo Hiệp định EVFTA.
EU là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (trung bình giá trị xuất khẩu cà phê sang EU đạt 1,2 – 1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm qua).
Trong tháng 8/2020, giá trị xuất khẩu mặt hàng cà phê của Việt Nam vào thị trường EU ước đạt gần 76 triệu USD, tăng 34,7% so với tháng 7/2020, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
Mặt hàng cà phê được nhận định có thể gia tăng giá trị vào thị trường EU trong thời gian tới khi EU xóa bỏ thuế cho toàn bộ cho các sản phẩm cà phê chưa rang hoặc đã rang, giảm từ 7 – 11% xuống 0%; các loại cà phê chế biến từ giảm 9 – 12% xuống còn 0%.
Đã có 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ; trong đó có cà phê Buôn Ma Thuột, đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam với các đối thủ tại thị trường EU.
Về rau, quả tươi, hiện đã có khoảng 40 loại rau quả Việt Nam được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bên cạnh những thị trường truyền thống, trái cây Việt đã từng bước khẳng định chất lượng, chinh phục được những thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, Australia, New Zealand....
Rau quả Việt Nam cũng được đánh giá đã và đang rộng cửa vào EU kể từ ngày 1/8 vừa qua. EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam bằng việc xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả.
Hiện EU là thị trường xuất khẩu thứ tư của rau, quả Việt Nam, với nền tảng sẵn có này cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong EVFTA đang tiếp sức để giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với các đối thủ chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia...
Hà Trần