Để thành công, bên cạnh việc nâng cao năng lực cạnh tranh về giá, chất lượng với các cường quốc về xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp khác, các nhà quản lý, doanh nghiệp Việt Nam cần có biện pháp, cách thức phù hợp để quảng bá nông sản một cách hiệu quả tới doanh nghiệp và người tiêu dùng sở tại.

Tuy nhiên, công tác quảng bá nông sản Việt Nam sang thị trường khu vực Châu Phi Nam Sahara hiện đang gặp phải một số khó khăn như: thiếu thông tin, hiểu biết về thị trường, đối tác và quy định pháp luật, tập quán làm ăn của nước sở tại dẫn đến tâm lý e ngại, chưa chú trọng đúng mức đối với công tác quảng bá nông sản với khu vực, chi phí vận chuyển hàng mẫu cao do khoảng cách địa lý xa xôi; thủ tục hải quan phức tạp, các quy định rào cản kỹ thuật hạn chế nhập khẩu nông sản, quy cách bao bì sản phẩm và việc bảo quản hàng mẫu,...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đại diện của Bộ Công Thương, có hiện tượng một số doanh nghiệp còn chưa chủ động trong công tác phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước để quảng bá sản phẩm, chưa bảo đảm được nguồn hàng trưng bày.

Trước thực tế số lượng và quy mô các đoàn địa phương, doanh nghiệp trực tiếp đến tìm hiểu và xúc tiến thị trường ở khu vực thời gian qua còn khiêm tốn, các đại biểu tham dự Tọa đàm cũng nhấn mạnh sự cần thiết cử các đoàn sang xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế nhằm quảng bá nông sản tại khu vực. Trên cơ sở thực tiễn xúc tiến thương mại một cách có trọng tâm, trọng điểm, các địa phương và doanh nghiệp sẽ nắm bắt rõ hơn nhu cầu, thị hiếu của thị trường, khai thác tốt, hiệu quả tiềm năng, phù hợp với thực lực của địa phương và doanh nghiệp.

Cũng tại Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi về ý tưởng thành lập, tổ chức Phòng/Không gian trưng bày hàng mẫu nông sản Việt Nam tại các Cơ quan đại diện Việt Nam tại khu vực, cho rằng đây là biện pháp thiết thực để hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, trước thực tiễn tập quán văn hóa kinh doanh cần được trực tiếp xem và kiểm tra các mặt hàng trước khi giao dịch.

Tuy nhiên, để triển khai tốt mô hình này, các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và logistics cần chú trọng phối hợp, gắn kết chặt chẽ, thường xuyên hơn với các Đại sứ quán Việt Nam tại khu vực trong việc xác định sản phẩm ưu tiên thúc đẩy quảng bá đối với từng thị trường, cách thức tổ chức mô hình trưng bày; chủ động cung cấp hàng mẫu, tài liệu thông tin giới thiệu sản phẩm phù hợp một cách thường xuyên, lâu dài…

Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với thế giới giảm gần 11% so với cùng kỳ năm 2022, kim ngạch của Việt Nam với khu vực châu Phi lại tăng 4,7%, đạt 4,35 tỷ USD trong đó nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang khu vực đã tăng mạnh về lượng và giá trị, như gạo, cà phê, hạt điều…

Trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Châu Phi năm 2022, giá trị nông sản xuất khẩu các loại đạt hơn 950 triệu USD, chiếm tỷ trọng 26,5% trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường khu vực, trong đó, đứng đầu là mặt hàng gạo với kim ngạch đạt 624 triệu USD, cà phê (161 triệu USD) và hạt điều (66,1 triệu USD). Trong 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam sang khu vực đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022, cụ thể: xuất khẩu gạo sang Senegal tăng 3.018% về lượng và 2.214% về giá trị; xuất khẩu cà phê sang Nam Phi tăng 115% về lượng và 121,5% về giá trị…

Minh Anh(T/h)