Thứ nhất, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của ngành; khẩn trương quy hoạch thành các vùng trồng, vùng nuôi; áp dụng khoa học và công nghệ trong các khâu của quá trình sản xuất; tăng cường tổ chức sản xuất, xuất khẩu theo liên kết chuỗi; tổ chức hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, tập trung; gắn sản xuất với với tín hiệu của thị trường; liên kết nông dân bằng mô hình hợp tác xã kiểu mới; các khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ được đặt trong một “chuỗi giá trị” với doanh nghiệp.
Thứ hai, tiếp tục đàm phán, mở cửa thị trường, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường, bao gồm những thị trường truyền thống và các thị trường mới còn nhiều tiềm năng.
Thứ ba, xây dựng nội dung đàm phán về mở cửa thị trường, kiểm dịch động - thực vật và các yêu cầu kỹ thuật khác có liên quan cho hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam và các tiêu chuẩn hàng của Việt Nam xuất đi các thị trường khác.
Thứ tư, đấu tranh hiệu quả với những hàng rào kỹ thuật, thương mại bất hợp lý đối với nông sản của Việt Nam để giữ vững thị trường; theo dõi sát, phát hiện kịp thời hiện tượng gia tăng nhập khẩu đột biến để cùng trao đổi với các bộ, ngành có liên quan nhằm đưa ra các phản ứng chính sách phù hợp, góp phần bảo vệ chính đáng sản xuất trong nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ năm, tổng hợp, hỗ trợ thông tin về thị trường thông qua việc đăng tải, công bố Bản tin thị trường nông, lâm, thủy sản định kỳ hàng tuần trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và tổ chức các hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng với thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để định hướng thị trường cho các doanh nghiệp và các địa phương; tăng cường cơ chế cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp để chủ động phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài.
Thứ sáu, đẩy mạnh hoạt động thu hút hợp tác đầu tư trong lĩnh vực logistics, tăng cường khuyến khích hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics nhằm giảm chi phí của hàng hóa.
Thứ bảy, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất.
Thứ tám, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển qua biên giới, tránh buôn lậu, gian lận thương mại sản phẩm nông sản.
Đối với thị trường trong nước, tư lệnh ngành công thương cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối giữa nhà cung ứng với nhà phân phối; tăng cường các hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa các địa phương, thúc đẩy các địa phương tiêu thụ sản phẩm của nhau; kết nối các nhà cung ứng nguyên vật liệu với các nhà chế biến nông sản; hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, chỉ dẫn địa lý tại thị trường trong nước chủ động làm việc với các hệ thống phân phối lớn về việc hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng các mô hình sản suất nông sản theo chuỗi để cung cấp trong hệ thống bán lẻ của mình.
Ngoài ra, cần hỗ trợ các địa phương xây dựng các đề án đẩy mạnh chuỗi cung ứng nông sản, hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa cả trong nước và thị trường quốc tế.
Minh Anh(T/h)