Các doanh nghiệp của Na Uy đang quan tâm đến những lĩnh vực nào tại Việt Nam, thưa ông?
- Năm 2021, Na Uy và Việt Nam kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong suốt 5 thập kỷ qua, chúng ta có mối quan hệ gần gũi và tốt đẹp. Ngoài hoạt động trao đổi chính trị thường xuyên, giao lưu nhân dân và kết nối doanh nghiệp cũng củng cố thêm mối quan hệ song phương.
Na Uy và Việt Nam còn hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, quản trị, thủy sản, dầu khí, môi trường, biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, nước sạch và vệ sinh. Hiện có hơn 40 doanh nghiệp Na Uy hoạt động ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong số này đã nổi tiếng trên thị trường Việt Nam. Ví dụ, Công ty sơn và chất phủ Jotun, Salmar với sản phẩm cá hồi, nhà máy đóng tàu Vard, nhà cung cấp thiết bị tàu biển Br. Dahl, Công ty phân bón Yara và nhiều doanh nghiệp khác.
Với sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam, các lĩnh vực hợp tác mới đã mở ra. Trong hai năm qua và đặc biệt kể từ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Na Uy tháng 5/2019, thật đáng khích lệ khi chứng kiến nhiều doanh nghiệp và công ty có uy tín của Na Uy quan tâm nhiều hơn tới Việt Nam và đã sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác trong nước thuộc lĩnh vực nuôi trồng thủy sản bền vững, năng lượng tái tạo và LNG, và bây giờ là kinh tế tuần hoàn.
Na Uy là nước đóng góp tài chính lớn cho nhiều tổ chức và thể chế đa phương, do đó các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể hưởng lợi thông qua các kênh này.
Thưa ông, thương mại Việt Nam và Na Uy thời gian gần đây phát triển như thế nào?
- Quan hệ thương mại Na Uy và Việt Nam phát triển tích cực với kim ngạch hai chiều tăng ổn định qua các năm. Số liệu thống kê của Na Uy cho thấy, thương mại giữa Na Uy và Việt Nam đạt khoảng 6.506 triệu NOK (742.812 USD) trong năm 2018, tăng lên 8.291 triệu NOK (947.159 USD) vào năm 2019.
Các nhà đầu tư Na Uy đang vận hành hơn 40 dự án tại Việt Nam, tạo việc làm cho hàng nghìn người Việt Nam.
Cho dù có sự tăng trưởng này, tôi tin rằng tiềm năng hợp tác về thương mại và đầu tư giữa hai nước vẫn chưa được khai mở hết mức. Tôi chắc chắn rằng đẩy mạnh thương mại là mục tiêu của cả hai nước.
Những hoạt động đầu tư từ Na Uy sang Việt Nam trong thời gian tới dự kiến sẽ diễn biến ra sao, thưa ông? Phía Na Uy sẽ làm gì để giúp thúc đẩy đầu tư từ Na Uy sang Việt Nam trong thời gian tới?
- Phát triển kinh tế đại dương bền vững đã, đang và sẽ tiếp tục là một lĩnh vực hợp tác song phương mạnh mẽ. Đây là ưu tiên của Na Uy và Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Erna Solberg đã có các cuộc gặp bên lề một số hội nghị quốc tế. Trong những cuộc gặp đó, các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nền kinh tế đại dương xanh bền vững, bao gồm bảo vệ tài nguyên đại dương và sinh vật biển.
Na Uy và Việt Nam là hai quốc gia biển đều có nền kinh tế phụ thuộc vào tài nguyên đại dương. Do đó, bên cạnh việc khai thác bền vững tài nguyên biển, chúng ta cần bảo vệ đại dương. Tôi tin rằng đây cũng là một trong những ưu tiên của Việt Nam. Tôi chắc chắn các doanh nghiệp của chúng ta cần cân nhắc và tính đến điều này khi hợp tác với nhau trong lĩnh vực kinh tế xanh.
Đầu tháng 12 năm nay, Ocean Panel được thành lập theo sáng kiến của Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, đã phát động trên phạm vi toàn cầu một chương trình Hành động Đại dương mới. Theo đó, các nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên của Ocean Panel đã cam kết quản lý bền vững 100% vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia vào năm 2025.
Năng lượng tái tạo và năng lượng sạch như LNG cũng là các lĩnh vực hợp tác tiềm năng cho doanh nghiệp hai nước. Nhiều công ty Na Uy đang có kế hoạch hợp tác với các đối tác trong nước để thực hiện các dự án về LNG, năng lượng gió ngoài khơi và điện mặt trời.
Năm nay, Thương vụ Na Uy tại Hà Nội đã tổ chức một hội thảo về điện gió ngoài khơi và một hội thảo về LNG nhằm chia sẻ thông tin và giới thiệu cơ hội hợp tác với các công ty Na Uy hàng đầu trong các ngành này. Hai hội thảo trên đều diễn ra theo hình thức trực tuyến do đại dịch, nhưng đã nhận được sự quan tâm lớn từ các doanh nghiệp Na Uy.
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Na Uy năm ngoái, Scatec Solar của Na Uy đã ký thỏa thuận trị giá 400 triệu USD với một công ty Việt Nam để phát triển cơ sở điện mặt trời nổi lớn nhất tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ sớm sửa đổi khung pháp lý hiện hành để họ có thể bắt đầu dự án này.
Kinh tế tuần hoàn cũng được chứng minh là một lĩnh vực tiềm năng cho các doanh nghiệp của chúng tôi. Na Uy đang triển khai một số dự án tại Việt Nam trong lĩnh vực liên quan đến phân loại và xử lý hiệu quả rác thải nhựa. Trong số đó, có OPTOCE (Dự án biến rác thải nhựa trên biển thành cơ hội trong nền kinh tế tuần hoàn) ra mắt tại Việt Nam năm 2019.
Tôi rất vui khi thấy dự án này đang tiến triển rất tốt tại Việt Nam và thu hút được sự tham gia của khu vực tư nhân vào mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa. Đây sẽ là dự án điểm cho thấy rác thải nhựa không thể tác chế vẫn có thể dùng làm nguồn năng lượng đầu vào cho ngành xi măng. Công nghệ này sẽ giúp chúng ta giải quyết được vấn đề rác thải nhựa và ngăn không cho chúng đổ ra biển.
Trong bối cảnh các xu hướng phát triển xanh và bền vững trên toàn thế giới, các công ty Na Uy hiện cũng đang có kế hoạch giới thiệu công nghệ chế biến phụ phẩm thủy sản tiên tiến của Na Uy vào Việt Nam. Với công nghệ này, những phụ phẩm của cá và thủy sản sẽ không bị bỏ đi lãng phí mà được sử dụng để chế biến thành những sản phẩm thương mại có giá trị như dầu cá, Omega 3...
Một điểm đáng chú ý khác là, ngoài các kế hoạch đầu tư, hợp tác của các công ty Na Uy riêng lẻ, Quỹ Hưu trí Quốc gia của Chính phủ Na Uy cũng đã đầu tư hơn 478 triệu USD vào 43 công ty Việt Nam. Đây cũng là một kênh đầu tư đáng kể.
Đại dịch COVID-19 đã thay đổi mọi thứ, cách chúng ta sống và cách chúng ta làm việc. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho chúng ta chuẩn bị kỹ càng hơn kế hoạch công việc dài hạn và bền vững. Điều tôi học được ở Việt Nam sau hai năm là chúng ta cần phải làm việc chăm chỉ để thành công và quan trọng hơn, chúng ta phải kiên trì và bền bỉ.
Hải Anh (thực hiện)