Xóa đói, giảm nghèo là mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình xây dựng đất nước. Quan điểm, chủ trương của Đảng về xóa đói giảm nghèo đã được thể hiện trong Văn kiện Đại hội Đảng qua nhiều thời kỳ, ngày càng sâu rộng, toàn diện hơn.
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong công tác xóa đói giảm nghèo. Việt Nam hiện là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản 06 chiều về: Việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin.
Chính sách giảm nghèo là chính sách quan trọng, xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Với những thành quả đã đạt được trong công tác xóa đói, giảm nghèo những giai đoạn trước, bằng Nghị quyết số 24, năm 2021 Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư "Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025", đưa công cuộc giảm nghèo lên một tầm mới, cao hơn, bao trùm hướng tới bền vững, hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều mới nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 90, phê duyệt thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025".
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, đây là giai đoạn thứ 2 của cả nước thực hiện chuẩn nghèo đa chiều. Chương trình giảm nghèo 2021-2025 đã thay đổi căn bản về mục tiêu, yêu cầu, đòi hỏi cao hơn so với những giai đoạn trước.
Đặc thù công tác giảm nghèo trước đây đã khó, giai đoạn này còn khó hơn, yêu cầu và đòi hỏi cao hơn so với giai đoạn trước. Ngoài chiều về thu nhập còn phải giảm 6 chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khác. Chuyển hoàn toàn cơ chế hỗ trợ từ "cho không" sang hỗ trợ có điều kiện. Trong khi đó, địa bàn, đối tượng thực hiện Chương trình lại tập trung vào vùng lõi nghèo, địa bàn khó khăn nhất của cả nước. Vì vậy, mục tiêu của giảm nghèo không đơn thuần là giảm nghèo về thu nhập, mà cao hơn, hoàn thiện hơn và bao trùm hơn.
Theo đó, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 75.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 48.000 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 12.690 tỷ đồng; Huy động hợp pháp khác là 14.310 tỷ đồng.
Quốc hội cũng đã đề ra nguyên tắc, giải pháp triển khai, thực hiện Chương trình là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo.
Tính đến năm 2023, Việt Nam đã đi được nửa chặng đường giảm nghèo bền vũng giai đoạn 2021-2025.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh nhấn mạnh, qua 03 năm triển khai thực hiện bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, đó là: Tỷ lệ giảm nghèo hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Quốc hội, Chính phủ đề ra. Đã có 10 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát nghèo, đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo, địa bàn lõi nghèo có bước cải thiện đáng kể, nâng cao.
"Đến nay, có thể khẳng định chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết 24 của Quốc hội và Quyết định 90 của Thủ tướng Chính phủ cơ bản đạt được. Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận là điểm sáng về công tác giảm nghèo và là quốc gia duy nhất ở Châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững", ông Lê Văn Thanh cho biết.
Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, có được kết quả này là cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, địa phương tập trung giải quyết công tác giảm nghèo tại vùng lõi nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân đã có sự thay đổi.
Thời gian qua, nhiều địa phương có hàng trăm hộ nghèo chủ động viết đơn xin thoát nghèo và chủ động nhường quyền hỗ trợ cho hộ khác. Người dân cũng băn khoăn, e ngại khi nhận mình là hộ nghèo và tự mình vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, chương trình vẫn bộc lộ những khó khăn, tồn tại.
"Việc ban hành một số văn bản hướng dẫn cũng như việc phân bổ vốn thực hiện chương trình còn chậm. Việc huy động nguồn lực xã hội hóa cho công tác giảm nghèo còn hạn chế; một số dự án triển khai còn chậm, manh mún, dàn trải. Một bộ phận nhỏ người dân vẫn còn tâm lý ỉ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức và hỗ trợ người khác vươn lên thoát nghèo bền vững", ông Lê Văn Thanh cho biết.
Để đạt mục tiêu mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 là: Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm từ 1,0 đến 1,5%/năm; Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 đến 5%/năm, ngay trong năm 2024, Bộ LĐTBXH tiếp tục triển khai các giải pháp cụ thể.
Trong đó, Bộ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05, ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách "cho không", phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng; tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025.
Bộ LĐTBXH cũng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ năm 2024 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình để đạt mục tiêu đề ra.
Cụ thể, năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,52% so với năm 2020, tuy chưa đạt so với mục tiêu Quốc hội giao nhưng trong bối cảnh cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 2,58%, thấp nhất trong vòng 30 năm qua thì kết quả giảm nghèo cũng là một nỗ lực được ghi nhận. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,17% và ước thực hiện năm 2023 giảm 1,1%, đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết 24 của Quốc hội đã đề ra. Nhiều địa phương có mô hình hay, cách làm sáng tạo đạt hiệu quả như Tây Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Đà Nẵng, Cao Bằng, Hải Phòng.
Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững đã cơ bản đảm bảo tuân thủ 07 nguyên tắc, giải pháp triển khai, thực hiện theo Nghị quyết 24/2021/QH15 và 5 nguyên tắc, 3 giải pháp theo Quyết định 90 như: Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt, tạo động lực (chiếm 81% tổng nguồn vốn); đã ban hành cơ chế đặc thù các dự án đầu tư xây dựng dưới 5 tỷ đồng; huy động sự tham gia của người dân trong quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, thực hiện các dự án, tiểu dự án; thực hiện nguyên tắc phân cấp, phân quyền cho địa phương.
Về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Đoàn Giám sát của Quốc hội thông tin, Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 24/2021/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, với tổng nguồn vốn tối thiểu là 75.000 tỷ đồng. Chương trình gồm 07 dự án, kết cấu 02 dự án độc lập và 05 dự án với 11 tiểu dự án.
PV (t/h)