Chiều 9/9, giờ địa phương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự họp phiên lần thứ ba Ủy ban hợp tác liên Nghị viện Việt Nam - Liên bang Nga dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Đuma Quốc gia Nga Vyacheslav Viktorovich Volodin, tại thủ đô Moscow, Liên bang Nga.
Phó Thủ tướng cho biết ngay sau phiên họp lần thứ ba Ủy ban hợp tác liên Nghị viện Việt Nam - Liên bang Nga, hai bên sẽ tiến hành khóa họp lần thứ 25 của Ủy ban liên Chính phủ hai nước (ngày 11/9) nhằm thống nhất và triển khai toàn diện Kế hoạch tổng thể phát triển hợp tác Việt Nam – Nga đến năm 2030 trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học, giáo dục, văn hóa, y tế… Kế hoạch này đã cập nhật những mục tiêu về hợp tác giữa hai nước nhiều năm qua, đặc biệt là những ý kiến trao đổi và thống nhất giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Tổng thống Putin.
Phó Thủ tướng cho rằng trong bối cảnh hết sức khó khăn nhưng hợp tác giữa hai nước tiếp tục tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực.
Hợp tác trong lĩnh vực thương mại vẫn tăng trưởng dù gặp rất nhiều khó khăn, kim ngạch thương mại song phương trong năm 2023 đạt 3,63 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2022; trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại hai nước đạt 2,74 tỷ USD, tăng 45,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Hợp tác về năng lượng vẫn tiếp tục là một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nga. Liên doanh Vietsovpetro và Rusvietpetro, được thành lập trên cơ sở Hiệp định liên Chính phủ giữa hai nước, tiếp tục là các đơn vị tiên phong trong ngành dầu khí của Việt Nam; đang mở rộng sang các lĩnh vực triển vọng khác như điện khí, xây dựng hạ tầng, phát triển năng lượng tái tạo, cũng như hiện đại hóa các cơ sở năng lượng của Việt Nam..
Trong lĩnh vực công nghiệp, hai bên đã triển khai hợp tác sâu rộng và đang nghiên cứu để thúc đẩy hợp tác trong một số lĩnh vực tiềm năng như cơ khí, luyện kim, hóa chất, chế biến khoáng sản, sản xuất trang thiết bị phục vụ các dự án năng lượng và phát triển công nghiệp năng lượng, giao thông vận tải (đường biển, đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị)...
Về lĩnh vực đầu tư, hiện nay Nga có 188 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 988,73 triệu USD, đứng thứ 26 trên 146 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Việt Nam hiện có 16 dự án đầu tư sang Nga tổng vốn đăng ký đạt 1,6 tỷ USD, xếp thứ tư trên 81 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam có đầu tư.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng hợp tác giữa hai nước còn khiêm tốn nếu nhìn vào tiềm năng, lợi thế và những tài nguyên trong mối quan hệ tin cậy lâu bền mà hai nước đã dày công xây dựng. Vì vậy, trong khóa họp thứ 25 của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Nga, hai bên sẽ thảo luận các biện pháp để mở rộng lĩnh vực, phạm vi hợp tác để hiện thực hóa mục tiêu trao đổi kim ngạch song phương giữa hai nước đạt 15 tỷ USD.
Theo đó, hai nước cần tiếp tục hợp tác hiệu quả hơn trong lĩnh vực dầu khí và mở rộng sang các lĩnh vực năng lượng khác, bao gồm cả nghiên cứu và triển khai công nghệ, đào tạo nhân lực; tập trung mở rộng hợp tác về phát triển hạ tầng, công nghệ thông tin, chuyển đổi số… là những lĩnh vực mới, nhiều tiềm năng.
Bên cạnh đó, Việt Nam mong muốn cần thúc đẩy hơn nữa các dự án hợp tác về nông nghiệp, và có thể tham gia vào chuỗi cung ứng các hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cùng với Nga.
Hai bên cũng cần quan tâm hơn nữa đến các dự án công nghiệp mới, đặc biệt là nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu về khoa học hạt nhân của Nga, như là một trong những nguồn năng lượng mới để Việt Nam đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero).
Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam hết sức coi trọng đến hợp tác văn hóa, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ, khoa học sức khỏe… nhiều năm qua đã xây dựng nền tảng cho mối quan hệ hết sức chặt chẽ giữa hai nước được thử thách qua thời gian. Hai bên sẽ tiếp tục giải quyết những vướng mắc trong xây dựng các trung tâm văn hóa, đào tạo ngôn ngữ của Nga tại Việt Nam để Việt Nam là cánh cửa cho văn hóa Nga đến với Đông Nam Á, Châu Á.
Phó Thủ tướng mong muốn hai bên cùng đổi mới tư duy, sáng tạo, quyết liệt, có những cơ chế đặc thù, dựa trên kinh nghiệm để giải quyết những khó khăn, thách thức đặt ra, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới.
Theo chinhphu.vn