Theo ông Nguyễn Văn Long, quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), DTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra trên lợn, xuất hiện lần đầu tiên tại châu Phi vào năm 1921. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh, gây bệnh ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn (bao gồm cả lợn nuôi các loại và lợn rừng). Bệnh gây tỷ lệ chết cao lên đến 100%.
Sau một thời gian dài tập trung nghiên cứu, đến đầu tháng 11/2019 các nhà khoa học của Mỹ đã công bố nghiên cứu thành công chủng vi rút DTLCP nhược độc đã được cắt bỏ đoạn gen ASF-G-Delta I177L.
Đây là tiền đề rất quan trọng cho việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngay trong tháng 11/2019, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã cử lãnh đạo Cục Thú y sang Mỹ dự họp, gặp trực tiếp với các chuyên gia Mỹ để bàn phối hợp nghiên cứu, sản xuất vắc xin dịch tả lợn châu Phi.
Ngay sau khi tiếp nhận chủng giống ASFV-G-∆I177L từ Bộ Nông nghiệp Mỹ vào tháng 09/2020, Công ty Navetco đã khẩn trương triển khai nghiên cứu, trải qua 5 lần thử nghiệm trong phòng thí nghiệm. Kết quả, 100% số lợn tiêm vắc xin được bảo hộ khi công cường độc trong phòng thí nghiệm; trong điều kiện sản xuất đã bảo hộ được trên 80% số lợn được tiêm vắc xin khi công cường độc với chủng vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam; độ dài miễn dịch của vắc xin kéo dài 06 tháng sau tiêm phòng.
Chia sẻ thêm về vắc xin DTLCP, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay, trên thế giới đã thất thoát hàng 100 tỷ USD vì dịch bệnh. Thế nên, sau khi biết tin Việt Nam sản xuất thành công vắc xin DTLCP, nhiều quốc gia đã có thư ngỏ ý xem xét mua vắc xin của chúng ta.
Việc sản xuất thành công vắc xin cũng có ý nghĩa rất quan trọng với ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam. Khi có vắc xin sẽ giúp hàng triệu hộ nông dân yên tâm chăn nuôi. Chưa kể, các doanh nghiệp đang có xu hướng đầu tư lớn vào ngành chăn nuôi lợn, khi có vắc xin DTLCP chúng ta sẽ có công cụ để đàm phán tiến tới xuất khẩu thịt lơn trong thời gian tới, Thứ trưởng Tiến chia sẻ.
Minh Đức