Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (Ảnh: Báo Nhân Dân)
Ngày 9/11, Quốc hội bước sang ngày thứ 2 tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với các thành viên Chính phủ.
Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn về việc chỉ đạo nghiên cứu sản xuất vắc xin dịch tả lợn châu Phi và tổ chức chỉ đạo xây dựng cơ sở vùng an toàn dịch bệnh.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Diến, Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho hay: Đến nay, nhánh nghiên cứu trong nước đã phân lập, lựa chọn, lập ngân hàng các chủng virus dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam, giải trình tự gen, nghiên cứu dịch tễ, sản xuất một số chế phẩm sinh học nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn, sản xuất một số loại vắc xin khác nhau thử nghiệm quy mô hẹp cho kết quả khả quan, các doanh nghiệp đang hoàn thiện công nghệ để sản xuất quy mô công nghiệp, chọn tạo dòng lợn kháng dịch tả lợn châu Phi từ những con lợn nái đã sống sót ở các ổ dịch.
“Nhánh quốc tế, Việt Nam đã hợp tác, tiếp nhận chủng virus dịch tả lợn châu Phi ở nước ngoài và sản xuất lô vắc xin bước đầu thử nghiệm rất khả quan. Dự kiến, khoảng quý 3/2021 sẽ có vắc xin dịch tả lợn châu Phi”, Bộ trưởng thông tin.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã tổng kết nhân rộng mô hình sử dụng các chế phẩm sinh học chăn nuôi an toàn với tổng đàn 100.000 con lợn sinh trưởng tốt, không có dịch bệnh.
Về chiến lược giống cây trồng, vật nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu của đại biểu Trần Thị Vĩnh Nghi (TP. Cần Thơ), Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cương cho biết, chiến lược tập trung và nhóm thủy sản, trái cây và lúa gạo thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng xuất khẩu.
Cụ thể, chúng ta có chương trình giống quốc gia cho cá tra và tôm. Đối với cá tra, mục tiêu đến năm 2025, tầm nhìn 2030, nước ta hoàn toàn chủ động nguồn giống cá tra khoảng 4,4 tỷ con. Về tôm, đến nay, mới chủ động được khoảng 40% lượng giống cho tôm thẻ chân trắng và hàng năm phải nhập khoảng 250.000 tôm bố mẹ.
Đối với trái cây, nước ta xác định có 10 loại điển hình và phấn đấu đến năm 2030 thuộc Top tiên tiến, đảm bảo cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Về lúa gạo, Việt Nam sẽ tăng cường gạo chất lượng cao, hiện 9 loại gạo thơm của nước ta đã được EU cho phép xuất khẩu vào thị trường này; đồng thời chúng ta cần phát triển các giống lúa chịu hạn, chịu mặn. Hiện nay, nhu cầu giống lúa tốt, giống xác nhận ở đồng bằng sông Cửu Long khoảng 250.000 tấn/năm, mới đáp ứng được 65%, vì vậy, cần phải tăng khối lượng này lên.
Trần Nguyên