Kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 9/10 sẽ được trình Đại hội đồng UNESCO xem xét thông qua vào tháng 11 tới.

Đây là một hoạt động quan trọng, quyết định chất lượng hoạt động của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) trong thời gian tới. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam đề cử người tham gia tranh cử chức vụ này.

Việt Nam thể hiện trách nhiệm quốc tế khi ứng cử Tổng Giám đốc UNESCO - Hình 1

Trụ sở UNESCO tại Paris

Cuộc lựa chọn khắt khe

UNESCO là một tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc, có vị trí ngày càng quan trọng trong đời sống văn hóa, khoa học, giáo dục thế giới, nên việc lựa chọn vị Tổng giám đốc của tổ chức này là rất quan trọng, với một quy trình khắt khe.

Từ khi thành lập (15/11/1945) đến nay, UNESCO đã qua 10 lần bầu Tổng giám đốc, và đây là cuộc bầu lần thứ 11, lựa chọn người đứng đầu tổ chức này trong nhiệm kỳ 4 năm (11/2017 - 11/2021). Các ứng cử viên sẽ phải trải qua các cuộc trả lời phỏng vấn và bỏ phiếu.

Vòng trả lời phỏng vấn lần này (được thực hiện tại Khóa họp Hội đồng chấp hành UNESCO 201 tháng 4/2017) có một số thay đổi. Khác với các cuộc họp kín trước đây, lần này, các ứng cử viên trình bày chương trình hành động và trả lời phỏng vấn công khai, được truyền trực tiếp qua website của UNESCO.

Trong tổng thời lượng 90 phút, thời gian trình bày chương trình hành động được rút xuống chỉ còn 10 phút, phần còn lại giành cho trả lời phỏng vấn, tạo điều kiện cho ứng cử viên thể hiện sự hiểu biết và năng lực của mình trước các câu hỏi đa dạng, về nhiều lĩnh vực, của nhiều nước.

Tại Khóa họp Hội đồng Chấp hành UNESCO 202 này (từ 4-18/10), 58 quốc gia thành viên sẽ bỏ phiếu kín bầu Tổng giám đốc UNESCO. Cuộc bầu đầu tiên sẽ diễn ra vào cuối ngày họp 9/10. Nếu không đạt được đa số quá bán (30/58), các vòng bầu cử sau sẽ diễn ra vào cuối ngày họp tiếp theo. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu chỉ giới hạn trong 5 vòng để chọn ứng cử viên thắng cuộc.

Nếu đến vòng 4 mà chưa có ứng cử viên đạt quá bán thì chỉ 2 ứng cử viên có số phiếu cao nhất sẽ được vào vòng 5. Trong trường hợp tại vòng 5, cả 2 ứng cử viên có cùng số phiếu thì Chủ tịch Hội đồng chấp hành sẽ bốc thăm chọn ứng cử viên duy nhất. Ứng cư viên này sẽ được Hội đồng Chấp hành trình lên Đại hội đồng UNESCO xem xét thông qua vào Khóa họp tháng 11/2017.

Ứng cử viên các nước đến từ nhiều khu vực trên thế giới, gồm: Ai Cập; Azerbaijan; Iraq; Lebanon; Pháp; Qatar; Trung quốc và Việt Nam tham gia tranh cử. Sau vòng phỏng vấn, đến cuộc bỏ phiếu này, có 2 ứng cử viên của Iraq và Guatemala xin rút.

Các ứng cử viên đều là những người từng giữ những vị trí cao trong chính phủ các nước, từng có hoạt động ở UNESCO, am hiểu về các lĩnh vực chuyên môn của tổ chức này, như: ứng cử viên Trung Quốc Qian Tang, hiện là trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Giáo dục, có hơn 20 năm giữa các vị trí khác nhau của UNESCO; ứng cử viên Ai Cập, bà Moushra Khattab, nguyên Bộ trưởng Bộ gia đình và dân số; ứng cử viên Qatar Hamad bin Al-Kawarri, nguyên Bộ trưởng Văn hóa; ứng cử viên nước chủ nhà Pháp, bà Audrey Azoulay, nguyên Bộ trưởng Văn hóa và Truyền thông...

Ứng cử viên Phạm Sanh Châu của Việt Nam cũng là người am hiểu và nhiều kinh nghiệm hoạt động ở UNESCO, từng đảm nhiệm chức vụ Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO và hiện là đặc phái viên của Thủ tướng về các công việc của UNESCO.

Cuộc bầu cử vì thế sẽ rất khó khăn, có thể phải thực hiện nhiều vòng trước khi lựa chọn được một ứng cử viên duy nhất.

Việt Nam lần đầu ra ứng cử

Quyết định ra tranh cử vị trí Tổng Giám đốc UNESCO của Việt Nam nằm trong mục tiêu trong đường lối đối ngoại của Đảng: chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đóng góp xây dựng, góp phần định hình các thể chế đa phương, khẳng định tinh thần là đối tác có trách nhiệm; góp phần tăng cường vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế; quảng bá thành tựu Đổi mới, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; khẳng định năng lực của con người Việt Nam tham gia lãnh đạo các tổ chức quốc tế.

Quyết định này nằm trong tiến trình tham gia ngày càng tích cực của Việt Nam vào các hoạt động của UNESCO kể từ khi gia nhập tổ chức này tháng 7/1976. Ngay trong giai đoạn đầu, Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Chấp hành UNESCO (1978-1983), đặt cơ quan đại diện tại UNESCO (1982).

Bên cạnh đó, Việt Nam đã phê chuẩn một số công ước quan trọng như Công ước Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể; Công ước Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa; chủ trì nhiều hội nghị, hoạt động lớn của UNESCO (Hội nghị cấp cao khu vực Châu Á-Thái Bình Dương về Đối thoại giữa các nền văn hóa; Hội nghị Tư vấn các Ủy ban quốc gia khu vực Châu Á-Thái Bình Dương...).

Việt Nam cũng đẩy mạnh đóng góp sáng kiến trong các lĩnh vực chuyên môn như: Xóa mù chữ; Trung tâm học tập cộng đồng; áp dụng nội dung giáo dục vì sự phát triển bền vững vào mô hình Khu dự trữ sinh quyển...Việt Nam đã 4 lần được bầu làm thành viên Hội đồng Chấp hành và hiện đang đảm nhận tốt vai trò này (nhiệm kỳ 2015-2019) và thành viên Ủy ban di sản thế giới (nhiệm kỳ 2013-2017).

UNESCO cũng thực sự coi trọng quan hệ với Việt Nam. Việt Nam đã 8 lần đón tiếp 5 vị Tổng Giám đốc UNESCO và trong vòng 8 năm gần đây, Tổng giám đốc UNESCO đã 3 lần thăm chính thức Việt Nam. Đương kim Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova đã khẳng định: "Việt Nam luôn là một trong những nước đi đầu và là tấm gương về triển khai thành công các chương trình, hoạt động của UNESCO".

Nhờ tham gia tích cực UNESCO, hình ảnh Việt Nam được quảng bá, các dự án bảo tồn văn hóa, giáo dục, khoa học... được hỗ trợ. Việt Nam đã được UNESCO công nhận 35 danh hiệu uy tín, gồm: 8 di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới, 11 di sản phi vật thể thế giới, 6 di sản tư liệu, 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới và 1 công viên địa chất toàn cầu. Mới đây nhất, hai viện Toán và Vật lý thuộc Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Trung tâm khoa học dạng 2 dưới sự bảo trợ của UNESCO.

Mặc dù lần đầu ra tranh cử, nhưng qua vòng trình bày chương trình hành động và trả lời phỏng vấn hồi tháng 4, ứng cử viên của Việt Nam, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã thể hiện sự tự tin, bằng việc sử dụng thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp trình bày những kiến thức sâu rộng trên nhiều lĩnh vực liên quan, kinh nghiệm hoạt động tại UNESCO, thể hiện năng lực lãnh đạo một tổ chức quốc tế lớn, có cá tính và đã đưa ra những ý tưởng thiết thực trong việc cải cách guồng máy UNESCO và một chương trình hành động cụ thể.

Ông là người được hỏi nhiều nhất, và đã phải rút ngắn thời lượng trả lời mỗi câu từ 5 xuống 2 phút để đáp ứng nhiều người nhất. Ông là người được đánh giá là "có tính thuyết phục" và được hưởng những tràng pháo tay dài nhất.

Tuy nhiên, trước những ứng cử viên sừng sỏ khác, và trước những diễn biến phức tạp thường thấy của một cuộc đua vào một vị trí chủ chốt trong một tổ chức quốc tế quan trọng như UNESCO, kết quả chung cuộc còn ở phía trước. Và trong mọi trường hợp, thì đây cũng là biểu hiện tích cực của Việt Nam trong việc tham gia các công việc quốc tế./.

Thái Dương/VOV-Paris