Tháng 5/2025, Việt Nam xuất khẩu 10.771 tấn chè, thu về gần 18,6 triệu USD, tăng 22% về lượng và 26% về kim ngạch so với tháng trước. Tuy nhiên, lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu chè đạt 46.460 tấn, trị giá 76,5 triệu USD, giảm 3,2% cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm 2024.

Xét về thị trường, Pakistan là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm, đạt 13,8 nghìn tấn, trị giá hơn 26,15 triệu USD. Thị trường này chiếm thị phần 29,7%; Đứng thứ 2 là thị trường tỷ dân Trung Quốc, với 4,9 nghìn tấn chè, tương đương 7,76 triệu USD, tăng 5,4% về lượng và tăng 15,4% về kim ngạch. Giá bình quân xuất khẩu chè 5T/2025 đạt 1.581 USD/tấn, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm; Đài Loan (Trung Quốc) là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 với 4,6 nghìn tấn chè, trị giá 7,89 triệu USD, giảm 10,5% cả lượng và 6,7% kim ngạch. Giá bình quân xuất khẩu đạt 1.706 USD/tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm.

Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu và đứng thứ 7 về sản xuất chè.
Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu và đứng thứ 7 về sản xuất chè. (Ảnh: internet)

Đáng chú ý, Mỹ đã chi hơn 3,8 triệu USD để nhập khẩu 2.671 tấn chè từ Việt Nam trong 5 tháng đầu năm, giảm 15,1% về lượng và 13,9% về trị giá. Giá bình quân xuất khẩu mặt hàng này đạt 1.440 USD/tấn, tăng nhẹ 1,4% so với cùng kỳ. 

Mỹ là thị trường xuất khẩu chè lớn thứ 5 của Việt Nam, chiếm 5,7% thị phần. Các loại chè xuất sang Mỹ gồm chè xanh, chè đen, chè ô long và chè pha chế, trước đây được áp thuế MFN 0%. Tuy nhiên, từ tháng 4/2025, Mỹ áp thêm thuế cơ sở 10% với hàng hóa từ Việt Nam, khiến tổng thuế nhập khẩu chè hiện là 10%.

Theo Hiệp hội chè, Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới. Chè Việt Nam đã có mặt tại hơn 70 quốc gia vùng lãnh thổ. Hiện Việt Nam đã chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau, trong đó chè đen và chè xanh là hai sản phẩm chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu.

Dự báo đến năm 2030, xuất khẩu chè Việt Nam có thể đạt 136.500 tấn, chiếm khoảng 80% tổng sản lượng, với mức tăng trung bình 0,82%/năm. Chè được trồng chủ yếu tại Thái Nguyên, Phú Thọ, Lâm Đồng, Nghệ An, Yên Bái và Hà Giang. Dù có nhiều tiềm năng, giá chè Việt Nam trên thị trường quốc tế vẫn còn thấp.

Hà Trần (t/h)