Một gian trưng bày tại triển lãm
Triển lãm Quốc tế máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu và sản phẩm công nghiệp Việt Nam lần thứ 12 có quy mô gần 500 gian hàng của 310 đơn vị tham dự đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ: Áo, CH Séc, CHLB Đức, Đài Loan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hong Kong, Indonesia, Italia, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam… Trưng bày sản phẩm, công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực: Tự động hoá; Máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu và sản phẩm công nghiệp; Thép, Luyện kim, Ống thép, Gang thép; Công nghiệp hóa chất, Sơn và vật liệu phủ; Dây chuyền thiết bị, công nghệ in thêu dệt may kỹ thuật số...
Triển lãm đem đến cơ hội quảng bá sản phẩm, giúp người mua có thể dễ dàng tìm kiếm và trao đổi hợp tác với người bán, có cơ hội tiếp cận trực tiếp với các công nghệ và sản phẩm mới, lựa chọn và tìm kiếm nguồn hàng với mẫu mã và chất lượng cao đến từ nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, trao đổi, hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ; là kênh giao thương hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Thúc đẩy đầu tư vào ngành cơ khí trong nước
Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho biết, sau nhiều năm đồng hành cùng Triển lãm, Hiệp Hội Doanh Nghiệp Cơ khí Việt Nam tin tưởng với những nỗ lực của Ban tổ chức, sự ủng hộ của các ban ngành hữu quan và sự tham gia hiệu quả của doanh nghiệp, VINAMAC EXPO đã trở thành nhịp cầu nối liền sự giao thương, là một địa điểm gặp gỡ lý tưởng để các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, tiếp cận cơ hội kinh doanh mới, gặp gỡ, ra mắt các sản phẩm mới giúp mở rộng kinh doanh ra các khu vực khác bên cạnh thị trường trong nước.
Tại triển lãm, Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) chủ trì tổ chức “Hội thảo về ngành cơ khí, luyện kim, hàn cắt - Thực trạng, Hướng tiếp cận công nghệ mới và Giải pháp” với sự tham gia, phối hợp của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA); IMECO; SVEAM; FUMEE TECH; AGRIMECO; Khoa Cơ khí - Khoa Động Lực Học viện Kỹ thuật quân sự;…
Theo ông Thụ, trong năm 2017 và những năm tới, để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của ngành cơ khí, hiệp hội sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hỗ trợ về thông tin tuyên truyền, giới thiệu về sản phẩm và năng lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên.
Việc đẩy mạnh tuyên truyền về sản phẩm và năng lực của doanh nghiệp, đặc biệt là tại các hội chợ, triển lãm sẽ giúp các doanh nghiệp có thể nắm bắt thông tin, tiếp xúc với những doanh nghiệp mạnh để tìm hiểu máy móc, từ đó hợp tác sâu hơn trong ngành cơ khí và rộng hơn với quốc tế. Sự kiện xúc tiến thương mại như VINAMAC EXPO 2017 sẽ giúp thúc đẩy đầu tư vào ngành cơ khí trong nước
Đào tạo lao động trình độ chuyên môn cao cho ngành hàn
“Hội thi tay nghề kỹ năng hàn” do Hội Khoa học Kỹ thuật Hàn Việt Nam (VWS) chủ trì, Công ty CP Hội chợ Triển lãm và Quảng cáo Việt Nam (VIETFAIR); Công ty TNHH Triển lãm Quốc tế Việt Triệu Hồng Kông (GF Hong Kong); Công ty TNHH Triển lãm Quốc tế Poly phối hợp, lần đầu tiên được tổ chức trong trong khuôn khổ chuyên đề về Công nghệ kỹ thuật Hàn cắt và Gia công kim loại - METAL&WELD 2017
Hội thi tổ chức cả ngày 30/11 đối tượng là giảng viên, kỹ sư, kỹ thuật viên và học viên có khả năng thực hiện theo quy trình thi; gồm 6 đội thi các nội dung Hàn hồ quang tay (SMAW); Hàn bán tự động (MAG) với các tư thế Hàn tấm - 3G, Hàn ống - 5G.
Ông Nguyễn Ngọc Hoa, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Kỹ thuật Hàn Việt Nam (VWS) mong rằng thông qua Hội thi, các doanh nghiệp Hội viên của VWS sẽ có thêm nhiều cơ hội hợp tác với các đơn vị, giới chuyên môn trong và ngoài nước, ứng dụng các công nghệ, thiết bị tiên tiến vào các ngành hàn cắt, cơ khí chế tạo… tại Việt Nam; là cơ hội tốt giúp thắt chặt mối giao lưu giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, hướng tới việc đào tạo đội ngũ lao động giỏi với trình độ chuyên môn cao.
T. Nguyên