Một trong những hoạt động đáng chú ý tại chương trình này là Tọa đàm Báo chí, Truyền thông đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển xanh với chủ đề “Hành động hướng tới Net Zero”. Tọa đàm do Báo Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Văn hóa Báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam và CLB Báo chí Phát triển Xanh hướng đến Net Zero Carbon phối hợp tổ chức với sự góp mặt của đại diện Lãnh đạo một số cơ quan báo chí và doanh nghiệp.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc điều hành Nghiên cứu & Phát triển Vinamilk đã chia sẻ về cơ hội và thách thức khi thực hành phát triển bền vững hướng đến Net Zero. Về cơ hội, việc đầu tư và thực hành các hoạt động phát triển bền vững từ sớm sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí và lợi ích thu lại lớn hơn rất nhiều trong tương lai. Vinamilk ước tính khoản tiền từ việc tiết kiệm tài nguyên ở hiện tại và tương lai sẽ mang đến lợi ích cao hơn chi phí đầu tư ban đầu, đặc biệt khi giá của nguyên/nhiên liệu ngày càng đắt đỏ.
Bên cạnh đó, việc thực hành phát triển bền vững cũng giúp xây dựng niềm tin của người tiêu dùng, cộng đồng đối với sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Người tiêu dùng cũng là động lực buộc doanh nghiệp phải thực hành phát triển bền vững. Họ quan tâm nhiều hơn đến việc các vấn đề môi trường bên ngoài chất lượng sản phẩm, ngày càng yêu cầu cao ở các sản phẩm xanh được sản xuất bởi các doanh nghiệp bền vững.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang thiết lập những “hàng rào xanh” về mảng xuất nhập khẩu, đầu tư, thuế quan, việc theo đuổi chiến lược phát triển bền vững cũng sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn để thích nghi với cuộc chơi mới. Đồng thời, việc đầu tư, triển khai các hoạt động phát triển bền vững càng sớm thì doanh nghiệp càng có cơ hội trở thành người tiên phong, dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Vinamilk đã và đang áp dụng các công nghệ giúp giảm phát thải, thân thiện với môi trường, có thể kể đến như phần mềm quản lý vận hành để tăng hiệu suất, tối ưu năng lượng cho máy móc thiết bị, sử dụng robot LGV thay thế xe nâng cũ giúp giảm tới 62% khí thải phát ra, hay hệ thống thu hồi nhiệt giúp thu hồi tới 92% lượng nhiệt dư thừa và tái sử dụng giúp tiết kiệm điện. Bên cạnh đó, các nhà máy và trang trại cũng chuyển đổi dần từ năng lượng hóa thạch như dầu DO, FO... sang sử dụng các nguồn năng lượng xanh như năng lượng mặt trời, CNG, biomass, Biogas… giúp tiết kiệm điện và hạn chế khí thải gây hại ra môi trường.
Tháng Năm vừa qua, doanh nghiệp này đã công bố 02 đơn vị là Nhà máy Vinamilk Nghệ An và trang trại Vinamilk Nghệ An đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS 2060:2014. Điều này là kết quả của "hành động kép", nỗ lực cắt giảm phát thải trong sản xuất, chăn nuôi, đồng thời duy trì quỹ cây xanh của công ty để hấp thụ khí nhà kính trong nhiều năm qua.
Một trong những thách thức của thực hành phát triển bền vững là cần sự đầu tư rất lớn ban đầu, nhiều doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm và không có nhân sự chuyên môn cho hoạt động này, giá thành sản phẩm có thể tăng hơn do chi phí đầu vào tăng,… Tuy nhiên, từ một góc nhìn khác, đại diện Vinamilk cho rằng những hành động bảo vệ môi trường như giảm thiểu rác thải nhựa, tiết kiệm nước, điện… gần như không tốn kém chi phí và có thể làm được ngay.
Doanh nghiệp đầu ngành sữa đã đặt ra lộ trình và các mục tiêu giảm phát thải cho từng giai đoạn nhưng để đảm bảo được mục tiêu chung Net Zero 2050 cần có sự đoàn kết, quyết tâm và chung tay của tất cả doanh nghiệp cho đến Chính phủ và người dân.
Nói về vai trò của truyền thông nói chung và báo chí nói riêng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đại diện Vinamilk đánh giá sự song hành của doanh nghiệp và báo chí trong câu chuyện phát triển bền vững là rất quan trọng. Trích lời ông Alex Haigh, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Brand Finance – đơn vị định giá thương hiệu toàn cầu đã xếp hạng Vinamilk lọt TOP 5 thương hiệu sữa có tính bền vững cao nhất toàn cầu, một phần quan trọng giúp doanh nghiệp gặt hái được kết quả trên là công khai, truyền thông rõ ràng, thường xuyên về phát triển bền vững, với các thông tin minh bạch, cụ thể thông qua các kênh truyền thông và đặc biệt là báo chí, xúc tiến sự quan tâm về phát triển bền vững.
Ông Khánh nhấn mạnh, các phương tiện truyền thông như báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thông, nâng cao nhận thức và làm cho các cá nhân, cộng đồng và xã hội có ý thức về phát triển bền vững, nhu cầu về các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững hơn, đồng thời khuyến khích họ hành động hướng tới sự thay đổi, vì một tương lai bền vững hơn. Qua đó, người tiêu dùng, cộng đồng cũng chung tay vào chiến lược phát triển chung của doanh nghiệp, vì mục tiêu chung là phát triển xanh và bền vững.
Vinamilk đồng hành cùng Báo Tài nguyên và Môi trường - cơ quan ngôn luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong Hoạt động trồng cây hướng đến Net Zero, để mang những thông điệp tốt đẹp về trồng cây xanh, phủ xanh Việt Nam và Net Zero lan tỏa đến cộng đồng.
PV