Trong 6 tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trong đó, đã cho vay mới với lãi suất thấp hơn từ 0,5-2%/năm so với lãi suất khoản vay cũ đối với hơn 13.380 khách hàng là doanh nghiệp và cá nhân, hộ gia đình kinh doanh cá thể với dư nợ đạt 14.581 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho 652 khách hàng với dư nợ 1.489 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 186 khách hàng với dư nợ đạt 665 tỷ đồng.
Riêng Ngân hàng chính sách tỉnh đã rà soát, cho vay vốn trong thời gian 12 tháng đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho 5 doanh nghiệp với dư nợ 1,2 tỷ đồng.
Với dư nợ đạt gần 8.500 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ, tăng 3,2% so với đầu năm, trong đó, cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi chiếm hơn 70% tổng dư nợ toàn chi nhánh, Vietinbank Vĩnh Phúc trở thành đơn vị có mức tăng trưởng dư nợ bán lẻ tốt nhất khu vực 1 của hệ thống Vietinbank trong 6 tháng đầu năm 2021.
Đặc biệt, đồng hành, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ngân hàng đã áp dụng mức lãi suất giảm tối đa 0,5%/năm; triển khai gói tín dụng ưu đãi ngắn hạn cho doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh quy mô 60.000 tỷ đồng/tháng với lãi suất theo các chu kỳ từ 4,1 - 6,1%/năm; cho vay nông nghiệp, nông thôn lãi suất 5%/năm.
Agribank Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các phòng giao dịch chủ động rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là các khách hàng hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, xuất khẩu… để thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ giúp doanh nghiệp giảm bớt phần nào gánh nặng về tài chính.
Ngân hàng đang triển khai gói vay ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với tổng hạn mức giải ngân lên đến 30.000 tỷ đồng và gói vay ưu đãi dành riêng cho khách hàng có hoạt động xuất nhập khẩu với tổng hạn mức 15.000 tỷ đồng; chương trình giảm lãi suất cho vay kéo dài đến hết ngày 31/12/2021 với lãi suất 4,8%/năm đối với vay ngắn hạn và 7,5%/năm đối với vay trung, dài hạn.
Không riêng khối ngân hàng thương mại nhà nước, các ngân hàng thương mại cổ phần cũng sớm nhập cuộc giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đơn cử, Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBank) chi nhánh Vĩnh Phúc đang triển khai chương trình “Nhận vốn ưu đãi - Kinh doanh siêu lãi” có tổng hạn mức giải ngân 4.000 tỷ đồng với lãi suất điều chỉnh giảm chỉ còn 5,9%/năm cho khách hàng có nhu cầu về khoản vay ngắn hạn dưới 12 tháng.
Ngoài ra, Ngân hàng đã thiết kế chương trình “SME - Tiếp vốn đầu tư” dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu về vốn trung, dài hạn từ 24 tháng trở lên với lãi suất ưu đãi từ 8,5%/năm cho 6 tháng đầu tiên hoặc 9,5%/năm cho 12 tháng đầu tiên. Nhờ đó, dư nợ khách hàng doanh nghiệp của ABBank Vĩnh Phúc thời gian qua tăng lên đáng kể, hiện đạt hơn 230 tỷ đồng.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đang triển khai gói cho doanh nghiệp vay 7.500 tỷ đồng để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
Đến thời điểm này, đã rà soát, nắm bắt thông tin 172 doanh nghiệp với gần 4.800 người lao động gặp khó khăn, phải ngừng việc do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Hiện Ngân hàng đang phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, thủ tục vay vốn trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng lao động được tiếp cận gói hỗ trợ sớm nhất.
Song song với giảm lãi suất vốn vay, để dòng vốn tiếp tục lan tỏa sâu rộng trong nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đang tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh triển khai các giải pháp ưu tiên hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đồng thời, khuyến khích hỗ trợ khách hàng qua dịch vụ ngân hàng điện tử, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng và tích cực triển khai các biện pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là đối với các dịch vụ công; kiểm soát chặt chẽ các khoản vay, hạn chế cho vay đối với những lĩnh vực, ngành nghề tạo sự phát triển ảo, thiếu bền vững, ảnh hưởng đến an toàn tín dụng.
Bích Phượng