Để cắt lỗ, nhiều hộ kinh doanh buộc phải tìm đủ cách xoay xở, chuyển hướng hoạt động, thậm chí chấp nhận sang nhượng, trả lại mặt bằng… Trong bối cảnh đó, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, nhiều người cho thuê mặt bằng đã chung tay giúp đỡ khách thuê vượt qua khó khăn, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Cầm cự chờ qua mùa dịch
Nhằm kiểm soát sự lây lan, chủ động ngăn chặn và ứng phó với dịch bệnh, đầu tháng 5, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Chỉ thị số 06 về việc quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19.
Trong đó, yêu cầu tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh, trừ cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Từ đó đến nay, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, thời trang, làm đẹp cùng nhiều mặt hàng không thiết yếu khác đều nêu cao tinh thần tự giác, chủ động đóng cửa, tạm ngừng hoạt động, nhằm hạn chế tối đa việc tập trung đông người, chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh.
Hiện nay, hầu hết cửa hàng kinh doanh ăn uống, thời trang, dịch vụ... trên địa bàn Vĩnh Phúc trong cảnh “đìu hiu”. Tại các tuyến phố kinh doanh sầm uất, trước đây vốn tấp nập, khách ra vào nườm nượp, thì nay “vắng như chùa Bà Đanh” hoặc đã ngừng hoạt động.
Hoạt động kinh doanh tạm thời bị đình trệ, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, khiến nhiều hộ kinh doanh không thể tiếp tục bám trụ, buộc phải trả lại mặt bằng, chuyển sang kinh doanh online hoặc chuyển về những địa điểm có giá thuê thấp hơn để giảm bớt gánh nặng tài chính.
Nhiều mặt bằng kinh doanh trên những tuyến phố đắc địa vì thế cũng phải treo biển sang nhượng trong thời gian gần đây.
Việc tạm thời đóng cửa trong hơn 1 tháng qua để phòng, chống dịch khiến nhà hàng K9 (đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Vĩnh Yên) không có doanh thu. Mặc dù mới đây, khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nhà hàng có nhận ship đồ ăn đến tận nhà cho khách để tăng thu nhập nhưng vẫn không đủ để bù chi phí thuê mặt bằng, tiền hỗ trợ thuê trọ cho nhân viên.
Đồng hành cùng hộ kinh doanh vượt qua khó khăn ảnh hưởng dịch Covid-19, anh Đặng Minh Tuấn là chủ nhà hàng K9 được người cho thuê mặt bằng giảm tiền thuê địa điểm kinh doanh.
Anh Tuấn cho biết: “Giá mặt bằng tôi đang thuê hiện trên 20 triệu đồng/tháng. Khi dịch bệnh bùng phát, nhà hàng phải tạm thời đóng cửa, tôi chủ động thương thương lượng với đơn vị cho thuê mặt bằng và được miễn 1,5 tháng tiền nhà. Sự giúp đỡ kịp thời này khiến tôi bớt đi một phần gánh nặng tài chính phải trả tiền mặt bằng và yên tâm cùng cộng đồng chống dịch”.
"Khoan thư sức dân"
Trước tác động tiêu cực của dịch bệnh, thấy được những áp lực của các cơ sở kinh doanh, nhiều chủ mặt bằng cho thuê trên địa bàn tỉnh đã miễn, giảm tiền thuê nhà hoặc giãn tiến độ trả tiền.
Sự sẻ chia, giúp đỡ kịp thời này đã giúp nhiều cơ sở kinh doanh giảm bớt gánh nặng trong điều kiện thu nhập giảm sút, trụ được qua thời gian khó khăn và an tâm trong việc phòng chống dịch bệnh.
Vừa qua, anh Trung Kiên (phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên), chủ một số mặt bằng kinh doanh đã quyết định miễn 1 tháng tiền nhà và cho nợ tiền thuê với các hộ chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Anh Kiên chia sẻ: “Dịch Covid-19 tái diễn khiến việc duy trì hoạt động kinh doanh, buôn bán của nhiều hộ gặp khó. Thế nên, tùy vào tình hình thực tế, tôi sẽ cân nhắc giảm thêm. Dù đang chịu lãi suất ngân hàng với khoản vay để mua mặt bằng cho thuê trước đó nhưng việc hỗ trợ cho nhau trong bối cảnh này là việc nên làm”.
Trong khi nhiều cơ sở kinh doanh đạt được thỏa thuận miễn, giảm phí thuê mặt bằng thì cũng có những cơ sở dù đã ngỏ lời nhưng vẫn không nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ của chủ cho thuê.
Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn Vĩnh Phúc rất mong các cấp, các ngành liên quan sớm đưa ra những cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực.
Để tháo gỡ khó khăn cho những đối tượng này, theo Luật sư Trương Anh Tú (Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú), các cửa hàng, nhà hàng kinh doanh nộp thuế theo phương thức khoán. Theo Khoản 11, Điều 6, Thông tư số 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể các trường hợp giảm thuế khoán, đối với những hộ kinh doanh như cửa hàng, nhà hàng… phải tạm dừng kinh doanh do dịch bệnh thì sẽ được giảm thuế khoán, mức giảm tùy thuộc thời gian ngừng kinh doanh cụ thể.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc Đường Trọng Khang cho rằng, ảnh hưởng nặng nề dịch Covid-19, doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh hiện rất khó khăn. Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh có quy mô càng bé, vốn mỏng... càng chật vật mỗi khi dịch bùng phát, phải giãn cách xã hội, phải tạm ngưng hoạt động. Do đó rất cần có chính sách hỗ trợ phù hợp và kịp thời.
Ông Khang nhấn mạnh, chính sách gia hạn thuế sẽ hỗ trợ người kinh doanh có thêm nguồn vốn để cầm cự, đầu tư trong giai đoạn khó khăn này. Tuy nhiên, Nhà nước chỉ cho doanh nghiệp được chậm nộp thuế trong mấy tháng, còn đến cuối năm sẽ phải nộp đủ toàn bộ tiền thuế được gia hạn vào ngân sách. Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, chính sách cần phải mạnh mẽ hơn, như tiếp tục giảm 30 - 50% tiền thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2021 như đã áp dụng trong năm ngoái.
Ngoài ra, Chính phủ cần xem xét gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) ở khâu nhập khẩu chứ không chỉ gia hạn tiền thuế GTGT ở khâu nội địa để doanh nghiệp có thêm nguồn lực tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Để không bị thất thoát và trốn thuế, cần có bảo lãnh của ngân hàng. Trường hợp nhà nhập khẩu không nộp số tiền thuế GTGT được gia hạn, ngân hàng bảo lãnh sẽ phải nộp thay.
Các chuyên gia kinh tế phân tích, với chính sách giảm 30% tiền thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 cho những doanh nghiệp có doanh thu không quá 200 tỉ đồng, kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cho thấy chưa đến 30% doanh nghiệp được hưởng chính sách này bởi nhiều doanh nghiệp thực tế hoạt động không có lợi nhuận để phải nộp thuế. Những doanh nghiệp được giảm 30% tiền thuế năm 2020 là doanh nghiệp có lãi. Trong khi đó, doanh nghiệp thua lỗ, phải tạm ngưng hoạt động lại không được hỗ trợ kịp thời.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh, nhất là những đơn vị ở vùng tâm dịch các chuyên gia cho rằng, cần có những chính sách đặc biệt để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn như giảm tiền thuê đất, miễn giảm thuế chứ không chỉ dừng lại ở gia hạn. Thực tiễn, ngoài việc nộp thuế, doanh nghiệp hoạt động còn tạo công ăn việc làm cho người lao động, giúp ổn định xã hội. Hỗ trợ, “cứu” doanh nghiệp chính là chia sẻ, hỗ trợ người lao động. Có như vậy, mới đúng là khoan thư sức dân - hỗ trợ người dân, hộ kinh doanh giảm các gánh nặng, qua đó tạo điều kiện vượt khó, vươn lên, phát triển.
Dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường, kéo dài, hậu quả có thể còn nặng nề hơn nữa. Bên cạnh sự tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ của các cơ quan chức năng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ cũng rất cần sự đồng hành, chung tay của toàn xã hội. Có sự đồng lòng, giai đoạn khó khăn này sẽ qua đi trong sự chung tay, sẻ chia...
Hoan Nguyễn