Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh phía nam và Thành phố Hà Nội – địa phương giáp ranh của tỉnh, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Vĩnh Phúc đã sớm chủ động xây dựng các phương án ứng phó, bảo vệ an toàn sức khỏe người lao động, duy trì sản xuất kinh doanh (SXKD). Qua đó, góp phần thúc đẩy KT - XH phát triển, giữ vững thành quả “vùng xanh” của tỉnh trong phòng chống dịch Covid-19.
Ngay sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, với các trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên trên địa bàn, thành phố Vĩnh Yên thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh và tiến độ thi công, hơn 100 cán bộ, công nhân, lao động tại công trường thi công dự án Cầu Đầm Vạc của Liên danh nhà thầu Công ty Cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô, Công ty Cổ phần Cầu 14, Công ty Licogi 18 đã thực hiện nghiêm phương án sản xuất “3 tại chỗ”: Ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ và làm việc tại chỗ.
Anh Nguyễn Huệ, Tư vấn trưởng công trình cho biết, do phần lớn đội ngũ cán bộ, lao động là người ngoại tỉnh và tại các địa phương đang có dịch nên việc ở lại và làm việc tại chỗ là rất cần thiết trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Tại công trường, đơn vị bố trí chốt kiểm soát người/ra vào tại hai điểm cầu; 100% người lao động duy trì ăn, ở tại công trình và tuân thủ các quy định 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế; riêng đối với bộ phận hậu cần, đi mua thực phẩm hàng ngày, được kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm Covid-19 theo quy định để đảm bảo không để dịch xâm nhập từ bên ngoài.
Nhờ duy trì tốt các phương án đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động, đến nay, cơ bản các hạng mục quan trọng kết cấu phần dưới của cầu đã hoàn thành.
Sau gần 2 tháng thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”, từ ngày 13/9, hơn 100 cán bộ, người lao động Công ty Cổ phần may KLW Việt Nam (phường Phúc Thắng, thành phố Phúc Yên) đã được trở về nhà, công ty chuyển sang trạng thái làm việc bình thường mới.
Thời gian qua, nhận thức rõ công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động và hiệu quả hoạt động SXKD của DN, công ty luôn tuân thủ tốt các quy định phòng chống dịch, hỗ trợ xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho người lao động.
Đặc biệt, từ ngày 24/7 - 13/9, khi thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, công ty đã dành hẳn một khu nhà ở và miễn phí 3 bữa ăn/ngày cho 100 cán bộ, người lao động thực hiện “3 tại chỗ”, không để dịch Covid-19 xâm nhập vào DN. Nhờ vậy, DN ổn định SXKD và đang tiếp tục tuyển dụng thêm nhiều lao động, sẵn sàng cho các đơn hàng cuối năm.
Theo thống kê, trong 9 khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động có hơn 320 dự án đang hoạt động SXKD, tạo việc làm cho hơn 100 nghìn công nhân, lao động.
Nhằm thực hiện có hiệu quả các chủ trương về công tác phòng, chống dịch bệnh và tăng cường sự chủ động cho DN, UBND tỉnh đã bố trí 2 khu ký túc xá cho lao động ngoại tỉnh tại Trường đại học Công nghệ GTVT và Trường cao đẳng Công nghiệp và Thương mại Phúc Yên; kêu gọi mỗi công nhân giúp đỡ một công nhân ngoại tỉnh; trưng dụng 12 khách sạn cho các chuyên gia cách ly tự nguyện; tổ chức tập huấn y tế, điều tra, truy vết… cho các Tổ tình nguyện có sự tham gia của công nhân đang làm việc trong các DN để sẵn sàng phối hợp cùng tỉnh ứng phó khi có tình huống dịch bệnh xảy ra trong DN.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, nhiều công ty, DN có vốn đầu tư trong và ngoài nước đã khẩn trương chuyển trạng thái hoạt động, sắp xếp, cơ cấu lại mô hình tổ chức; điều động, bố trí lao động và thay đổi chiến lược kinh doanh phù hợp từng giai đoạn sản xuất để đảm bảo duy trì, không làm gián đoạn hoạt động SXKD và lưu thông hàng hóa.
Thực tế, qua kiểm tra thực tế tại nhiều DN: Công ty TNHH Vina Union (KCN Bá Thiện II), Công ty TNHH DAIWA PLASTICS (KCN Thăng Long Vĩnh Phúc)..., việc chủ động phương án sản xuất "ba tại chỗ" đã thực sự phát huy hiệu quả, giúp người lao động yên tâm làm việc, DN an toàn về dịch bệnh.
Tuy nhiên, qua khảo sát, nhiều DN sản xuất lớn trong và ngoài KCN trong quá trình xây dựng kế hoạch thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các văn bản, chính sách và quy định của Chính phủ, Bộ Y tế và địa phương trong vấn đề này.
Cụ thể là các quy định về thời gian thực hiện phương án tối thiểu/tối đa; các điều kiện để được triển khai; phương án xử lý trong trường hợp DN thực hiện “3 tại chỗ” xuất hiện F0; quy định đối với các bộ phận cung ứng có liên quan; chính sách hỗ trợ chi phí khi thực hiện “3 tại chỗ”; công tác tổ chức xét nghiệm Covid - 19 cho người lao động khi triển khai…, tiềm ẩn nhiều nguy cơ không thống nhất trong việc thực hiện phương án “3 tại chỗ”, phát sinh nhiều chi phí cho DN.
Thực tế tại một số DN đã triển khai, có thể tăng thêm 250% chi phí thông thường, chưa kể các chi phí xây dựng nhà tạm, test Covid -19,…
Trước thực trạng đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị UBND tỉnh giao Sở chủ trì, tổ chức hội nghị khảo sát, lấy ý kiến của các DN về việc thực hiện phương án "3 tại chỗ" làm cơ sở tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, ưu nhược điểm của mô hình trong quá trình thực hiện, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo, tháo gỡ; đề xuất một số giải pháp áp dụng cho DN trong tình hình mới.
Có thể thấy, các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 có thể làm tăng chi phí hoạt động của DN nhưng rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe người lao động và hoạt động SXKD của DN. Với những giải pháp phù hợp của tỉnh trong tình hình mới, những khó khăn trong quá trình triển khai các phương án sản xuất tại chỗ của DN sẽ sớm được tháo gỡ, qua đó, thúc đẩy và ổn định SXKD sau dịch.
Lưu Nhung