Tiền tỷ trôi theo… nước sạch?

Theo Báo cáo số 14/BDT-KHTH ngày 22/3/2017, do ông Hoàng Minh Ái, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc ký, gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo về hiện trạng các công trình nước sạch ở Đạo Trù, cho thấy, 8 công trình nước sạch được đầu tư xây dựng, có tới 3 công trình tại các thôn Phân Lân Thượng, Phân Lân Hạ, Tân Tiến chưa được hoàn thiện nên chưa bàn giao cho UBND xã quản lý. Còn lại, 5 công trình khác dù đã bàn giao, đưa vào sử dụng từ năm 2007 đến năm 2011, nhưng sau đó, hầu hết các công trình đều xuống cấp trầm trọng.

 Vĩnh Phúc: Dự án bỏ hoang, người dân khát nước sạch - Hình 1

Hệ thống bể nước tổng đặt tại xóm Gò, xã Đạo Trù, cạn khô, cỏ dại mọc um tùm

Cụ thể, công trình tại thôn Đồng Quạ, được bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 8/2007, đến nay phục vụ cho khoảng 60/380 hộ dân. Công trình tại thôn Đồng Giếng bàn giao từ tháng 4/2008, đã ngừng hoạt động từ năm 2011 do nước không về bể lọc, bể lắng lọc bị hư hỏng xuống cấp, nhiều đoạn đường ống bị mất cắp; 14 bể tiêu thụ thì có 1 bể trong lòng hồ, còn lại các bể khác đã hỏng nặng.

Vĩnh Phúc: Dự án bỏ hoang, người dân khát nước sạch - Hình 2

Người dân tự làm ống dẫn nước từ trên núi về để sinh hoạt

Ở Tân Lập, công trình được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2009, phục vụ cho 50/230 hộ dân trong thôn, số hộ dân còn lại tự đấu nối dẫn nước về dùng. Trong 6 bể chứa thì chỉ có 1 bể là còn sử dụng được. Tại thôn Lục Liễu, công trình được bàn giao đưa vào sử dụng tháng 8/2011, đến nay cũng chỉ 30/245 hộ dân còn sử dụng nước, còn lại các hộ dân tự đấu nối nước về dùng. Từ tháng 2/2015, bể lắng lọc và bể chứa ở thôn này ngừng hoạt động.

 Vĩnh Phúc: Dự án bỏ hoang, người dân khát nước sạch - Hình 3

Đường ống dẫn nước bị hỏng

Cũng theo báo cáo này, công trình nước sạch xóm Gò, bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 8/2011, hiện có 30/325 hộ  dân còn sử dụng, số hộ dân còn lại là tự đấu nối dẫn nước về dùng.

Hầu hết đường ống dẫn nước, hệ thống bể lắng lọc, bể chứa bị hỏng do không thường xuyên được bảo dưỡng, duy tu… Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc xác định, nguyên nhân các công trình xuống cấp được cho là thiếu nguồn kinh phí hỗ trợ khi đưa vào sử dụng. Vì vậy sau khoảng 3 năm đầu, kinh phí dành cho duy tu, bảo dưỡng, vận hành đã bị tiêu hết nên các công trình rơi vào cảnh… “cha chung không ai khóc”.

Cần làm rõ trách nhiệm...

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Minh Ái, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc (nguyên Phó ban Phụ trách thời điểm xây dựng các công trình - PV) cho biết, mỗi công trình đầu tư của dự án tại các thôn, trị giá 2 - 3 tỷ đồng/công trình.

Theo ông Ái: Ban Dân tộc đã chỉ đạo, có văn bản hướng dẫn UBND xã Đạo Trù quản lý, vận hành khai thác công trình và vận động người dân đóng góp kinh phí sử dụng nước hàng tháng theo nhu cầu. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân có ý thức bảo vệ công trình…

Trước câu hỏi của PV "các công trình chưa bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý, trách nhiệm để các công trình hỏng hóc thuộc về ai?", ông Hoàng Minh Ái khẳng định: Trách nhiệm một phần là của Ban Dân tộc và một phần thuộc về nhà thầu.

Tuy nhiên Báo cáo số 14/BDT-KHTH ngày 22/3/2017 có nêu: “Ban Dân tộc không nắm được tình hình tài chính, suy thoái của nhà thầu thi công khiến nhà thầu chây ỳ làm chậm tiến độ hoàn thành, bàn giao công trình đưa vào sử dụng. Còn nhà thầu tư vấn giám sát và Ban giám sát cộng đồng đã không giám sát chặt chẽ và không báo cáo kịp thời nên việc xử lý gặp khó khăn”...

Theo như ông Hoàng Minh Ái trao đổi, mỗi công trình nước sạch ở các thôn có giá trị 2 - 3 tỷ đồng, như vậy, việc đầu tư xây dựng công trình nước sạch tại xã Đạo Trù đã chi mất khoảng 20 tỷ đồng.

Đặc biệt, đây là nguồn tiền ngân sách nhà nước dành cấp theo Chương trình 134 của Chính phủ về hỗ trợ nước sinh hoạt cho đồng bào miền núi. Vì vậy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các cơ quan liên quan cần phải làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng Dự án nước sạch ở xã Đạo Trù xuống cấp, hư hỏng, làm thất thoát ngân sách nhà nước mà lại không phát huy được tác dụng nhiều năm qua!

Nhóm PV