Ngày 11/4, tỉnh Vĩnh Phúc đã có cuộc họp với các sở, ngành, địa phương về tình hình thu gom, xử lý rác thải, xác gia súc, gia cầm chết thời gian qua.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc, từ đầu năm 2017 đến nay dọc các sông Phó Đáy, sông Bến Tre và một số đoạn kênh thủy lợi thuộc địa phận các huyện: Lập Thạch, Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc xuất hiện lượng lớn bao tải chứa rác thải, xác gia súc, gia cầm gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân.
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc xuất hiện nhiều xác gia súc trôi sông
Điển hình nhất, vào ngày 1/4, hàng trăm xác lợn chết đóng trong bao tải trôi trên sông Phó Đáy (Vĩnh Phúc). Điểm xác lợn mắc kẹt nhiều nhất là khu vực kè tràn sông Phó Đáy ở ngay cầu Liễn Sơn (một bên cầu thuộc xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương và bên kia cầu là xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch).
Sông Phó Đáy, ngày 1/4 có hàng trăm xác lợn chết
Khi xảy ra sự việc, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động phối hợp với các ngành, địa phương liên quan hướng dẫn, giám sát và tiến hành thu gom, tiêu hủy toàn bộ lượng rác thải, xác gia súc, gia cầm; đồng thời, tổ chức lấy mẫu nước mặt tại 8 vị trí để kiểm tra, phân tích...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức xử lý, lắp đặt lưới chắn rác trên các kênh chính tả Liễn Sơn, kênh 6A, kênh 6B có rác thải, xác động vật...
Cũng tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng công tác kiểm tra, giám sát việc xử lý, tiêu hủy xác gia súc, gia cầm chết trên địa bàn tỉnh thời gian qua tuy đã triển khai rộng nhưng vẫn còn bộc bộ những khó khăn, hạn chế. Tỉnh Vĩnh Phúc cần quyết tâm hơn trong công tác này, nhất là quyết tâm trong xử lý những địa phương cơ sở và cán bộ yếu kém.
Ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương rà soát, xác định lại chức năng, nhiệm vụ trong công tác vệ sinh môi trường và không đùn đẩy trách nhiệm, đổ lỗi trong việc xử lý rác thải, xác động vật chết.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường dự báo tình hình để tư vấn cho người chăn nuôi trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Các địa phương tự quy hoạch vùng chôn lấp xác gia súc, gia cầm chết, thông tin rộng rãi để người dân tự giác vận chuyển xác động vật đến chôn lấp...
“Thời gian tới những địa phương để xảy ra hiện tượng vứt xác gia súc, gia cầm ra môi trường và không xử lý, tiêu hủy theo đúng quy định thì Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đó phải chịu trách nhiệm...”, ông Giang nói.
Hoan Nguyễn