Hoạt động khai thác đất trái phép gây biến dạng địa hình và thất thoát thuế tài nguyên
Do nhu cầu lớn về nguồn đất phục vụ các công trình trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và nguyên liệu phục vụ các nhà máy sản xuất gạch, một số đối tượng đã bất chấp các quy định của pháp luật tiến hành hoạt động khai thác đất trái phép.
Việc khai thác đất trái phép đã làm thay đổi địa hình, phá vỡ quy hoạch chung, ảnh hưởng đến môi trường, gây thất thoát nguồn thuế tài nguyên. Ngoài ra, việc khai thác đất trái phép còn gây bức xúc đối với các doanh nghiệp đã làm thủ tục cấp phép mỏ theo quy định của pháp luật.
Trước thực tế này, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng cường lực lượng, bám sát địa bàn, tổ chức bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hoạt động khai thác đất trái phép.
Theo nguồn tin từ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh Vĩnh Phúc, từ năm 2016 đến nay, lực lượng công an các huyện đã tiến hành bắt giữ và xử lý 86 vụ việc liên quan đến hoạt động khai thác đất trái phép. Xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 635 triệu đồng. Trong đó, một số huyện có số vụ việc bắt giữ và xử lý lớn, như: Tam Đảo 23 vụ, xử phạt 291,5 triệu đồng; Sông Lô 23 vụ, xử phạt 113,5 triệu đồng; Lập Thạch 12 vụ; Tam Dương 10 vụ, xử phạt 112 triệu đồng…
Riêng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, trong năm 2016, đã tiến hành bắt giữ 28 vụ đối với 28 đối tượng. Xử phạt 408 triệu đồng. Ba tháng đầu năm 2017, tiến hành bắt giữ 05 vụ với 05 đối tượng, xử phạt hành chính 101,5 triệu đồng.
Thượng tá Hoàng Phúc Hiếu, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Các đối tượng hoạt động khai thác đất trái phép trên địa bàn thường chọn những nơi có địa hình đồi núi, ít người qua lại. Thời gian khai thác đất thường là ban đêm hoặc các ngày nghỉ, ngày lễ. Do không phải chi phí về thuế tài nguyên và các loại chi phí liên quan đến việc cấp phép mỏ nên các đối tượng này, đã gây bức xúc đối với những doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực, nhưng đã làm thủ tục cấp mỏ theo quy định của pháp luật.
Để chấm dứt tình trạng này, ngoài việc tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường còn thường xuyên phối hợp với lực lượng công an các huyện và chính quyền địa phương, tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu về các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản.
Qua đó, góp phần tích cực trong việc ngăn ngừa các hoạt động vi phạm về khai thác đất đai trên địa bàn.
Long Trần – Tuấn Anh