Vĩnh Phúc: Không còn cảnh bạo lực tại Lễ hội Đả cầu cướp phết - Hình 1

Nghi lễ rước phết tại Lễ hội Đả cầu cướp phết, xã Bàn Giản (Lập Thạch)

Từ 13h, hàng ngàn du khách thập phương đã về đình Đông Lai (Bàn Giản) để chờ đợi lễ hội cướp phết diễn ra.

Theo quan niệm, mồng phết tượng trưng cho tuấn mã ngựa phi, quả phết tượng trưng cho trận đánh, làng nào cướp được phết sẽ giành thắng lợi. Ai chạm được vào quả phết sẽ gặp được may mắn cả năm. Vì vậy, những năm trước, màn tranh giành phết luôn diễn ra quyết liệt, thậm chí có cả những hành động bạo lực ngay trong lễ hội.

Ngọc phả trang Bàn Giản do ông Lê Tùng, quan Lễ bộ Đại học sĩ triều Lê soạn năm 1513 cho biết: Tiết chế Trần Quốc Tuấn (Hưng Đạo Đại Vương) đánh giặc Nguyên Mông lần thứ 3 trong khi điều binh có ngang qua Bàn Giản dừng lại lập đàn tế bách thần phù trợ, tại đồng Ngõ (tức chùa Am ngày nay) vào ngày 15/2 năm Mậu Tý (1288).

Năm đó, quân dân ta đại thắng bắt được tướng giặc Ô Mã Nhi ở sông Bạch Đằng, kết thúc 3 lần kháng chiến chống Nguyên Mông - kẻ thù mạnh nhất lúc bấy giờ.

Vĩnh Phúc: Không còn cảnh bạo lực tại Lễ hội Đả cầu cướp phết - Hình 2

Lễ hội năm nay không còn cảnh bạo lực như những năm trước (ảnh lễ hội 2017)

Về cướp cầu diễn tích toàn dân đánh giặc được nâng cao thành lễ thức: Mồng phết làm bằng gốc tre cong, trổ hình đầu ngựa, tượng trưng cho kỵ binh. Đả cầu (cướp cầu), các trai đinh cởi trần cướp cầu bằng tay (cầu bằng gỗ tốt, đường kính 35cm) biểu tượng bộ binh. Cướp cầu để ôn lại sự tích và tôn thánh, vì thế, trước khi cướp cầu các trai đinh đứng thành hàng ngang trước kiệu thánh và làm một số động tác nghi lễ theo hiệu lệnh trống khẩu của ông Mệnh.

Dù không còn màn tung cầu cướp phết cầu may trong lễ hội 2018, nhưng theo Ban tổ chức, lễ hội vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống qua các màn tế lễ, nghi lễ rước thánh du xuân.

Sự thay đổi này không những tránh được những cảnh bạo lực không mong muốn mà còn nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, các cụ cao niên trong làng và nhiều du khách thập phương.

Thiệu Vũ – Long Trần