Khoảng 10 năm trở lại đây (từ năm 2012 đến nay), ngành nông nghiệp triển khai nhiệm vụ trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức bởi tác động của biến đổi khí hậu; dịch Covid-19; dịch hại trên cả cây trồng và vật nuôi diễn biến phức tạp và giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, giá bán thành phẩm không ổn định, có thời điểm thấp hơn giá thành…; thế nhưng, giá trị sản xuất ngành toàn ngành nông nghiệp năm sau luôn cao hơn năm trước.

Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp giúp nông trại “Đào Gia trang” của chị Văn Thị Yến, thị trấn Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường gia tăng cả về chất lượng, sức cạnh tranh
Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại nông trại “Đào Gia trang” (thị trấn Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường) giúp gia tăng cả về chất lượng, sức cạnh tranh.

Năm 2012, giá trị nông nghiệp toàn tỉnh đạt trên 8.200 tỷ đồng, đến năm 2021 đạt gần 11.000 tỷ đồng, tăng 1,33 lần. Cùng với đó cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch theo đúng hướng, tỷ trọng trồng trọt giảm từ 42,99 % (năm 2011) xuống khoảng 39% (năm 2021), chăn nuôi tăng từ 52,4 % (năm 2011) lên 54% (năm 2021).

Đây là thành quả của sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc tích cực của người dân trong việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT công nghệ, nhất là ứng dụng công nghệ cao, đưa cây con, giống mới vào sản xuất.

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, từ năm 2012 đến nay, đã có 24 đề tài khoa học được nghiên cứu, ứng dụng thành công trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, tỷ lệ giống lúa chất lượng trên địa bàn đạt trên 75%, đàn bò thịt lai Zebu đạt trên 90%, đàn bò sữa có tỷ lệ máu bò HF đạt trên 90%.

Cùng với đó, trong sản xuất được cơ giới hóa trong diện rộng với tỷ lệ làm đất bằng máy chiếm trên 95% diện tích; thu hoạch lúa bằng máy đạt trên 70%; 100% số hộ nuôi bò sữa đã sử dụng máy vắt sữa, máy thái cỏ…, góp phần giảm chi phí, nâng cao năng suất, tăng doanh thu cho người dân.

Bắt nhịp với tiến bộ khoa học công nghệ, nhiều nông dân trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư, chủ động tìm tòi, ứng dụng các tiến bộ KHKT, đặc biệt công nghệ cao đã được triển khai trong sản xuất như áp dụng trồng hoa, rau trong nhà lưới bằng kỹ thuật thủy canh, canh tác trên giá thể không đất, sử dụng cây trồng được sản xuất theo công nghệ nuôi cấy mô, sử dụng các chế phẩm vi sinh, ứng dụng cà chua ghép trên gốc cà tím, dưa hấu ghép trên gốc bầu; áp dụng IPM, ICM, VietGap trên cây lúa, ngô, rau, cây ăn quả… góp phần giảm việc sử dụng thuốc trừ dịch hại, bảo vệ thiên địch trên đồng ruộng, giữ cân bằng hệ sinh thái, giảm thiểu độc hại cho môi trường và bảo vệ sức khỏe người dân.

Chị Văn Thị Yến, thị trấn Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường, chủ nông trại “Đào Gia trang” – một trong những mô hình tiên phong ở huyện Vĩnh Tường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chia sẻ: "Với niềm đam mê làm nông nghiệp, nhất là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, năm 2020, tôi thu gom 7.000 m2 diện tích đất nông nghiệp của bà con nông dân cùng thôn để đầu tư trồng các loại rau ăn lá theo hướng hữu cơ và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện tôi tiếp tục nhân rộng diện tích, mạnh dạn đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, với tổng diện tích gần 2 ha, xây dựng 4 nhà màng, diện tích gần 5.000 m2 chuyên trồng các một số giống nhập ngoại như dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc, dưa Ichiba, nho mẫu đơn ứng dụng công nghệ cao.

Với thiết bị cảm ứng nhiệt độ, độ ẩm; chế độ tưới tự động; việc bón phân cho cây trồng tự động hóa… giúp giảm thiểu những bất lợi từ thời tiết, sâu bệnh, bảo đảm cây sinh trưởng, phát triển ổn định. Hiện nay, nông trại đang tạo việc làm cho 4-5 lao động, thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng".

Xác định nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm và thu nhập cho hơn 70% dân cư, là nhân tố quyết định xóa đói, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế quốc dân và ổn định chính trị xã hội; nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, ngành Nông nghiệp vẫn là “trụ đỡ” đảm bảo an ninh lương thực, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường đầu tư khoa học công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch - an toàn, công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch trong ngành nông nghiệp.

Đây được coi là “chìa khóa” để khai thác tiềm năng, nâng cao hiệu quả, tạo đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung, ưu tiên hỗ trợ các ngành hàng chủ lực theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm…

Hồng Liên