Hiện, các sở, ngành chức năng đang đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở thu hút các dự án đầu tư mới.

Khu công nghiệp Bá Thiện II (Bình Xuyên) được quy hoạch, đầu tư hạ tầng đồng bộ, thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn.
Khu công nghiệp Bá Thiện II (Bình Xuyên) được quy hoạch, đầu tư hạ tầng đồng bộ, thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn. (Ảnh: Báo Vĩnh Phúc)

Vĩnh Phúc, với nền tảng vững chắc từ khi tái lập tỉnh, đang nắm bắt nhiều cơ hội để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Giai đoạn 2023 - 2030, tỉnh đặt mục tiêu thu hút 2 - 2,5 tỷ USD vốn FDI và 20 - 25 nghìn tỷ đồng vốn DDI, đồng thời mời gọi từ 1 - 5 tập đoàn đa quốc gia thuộc top 500 của Fortune đầu tư vào địa phương.

Tỉnh tập trung thu hút các tập đoàn kinh tế lớn, doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, ưu tiên nhà đầu tư có chiến lược dài hạn, trách nhiệm xã hội và công nghệ tiên tiến. Đặc biệt, tỉnh khuyến khích dòng vốn DDI vào các lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, tạo động lực phát triển bền vững.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh đã lập các đồ án quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng vùng huyện, đảm bảo đồng bộ với quy hoạch cấp trên.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, xây dựng lộ trình triển khai hiệu quả các chương trình, dự án theo định hướng phát triển của tỉnh.

Tỉnh xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, phân công trách nhiệm cụ thể, thống nhất từ nhận thức đến hành động. Đồng thời, xác định tiến độ, nguồn lực thực hiện, xây dựng chính sách thu hút đầu tư, tổ chức rà soát, điều chỉnh kịp thời để đảm bảo đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh đang tích cực rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch KCN đến năm 2030, tầm nhìn 2050, đảm bảo đồng bộ với Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo định hướng phát triển, đến năm 2030, Vĩnh Phúc sẽ có 28 KCN với tổng diện tích 4.815 ha; đến năm 2050, con số này tăng lên 29 KCN với hơn 5.489 ha. Ngoài ra, tỉnh dự kiến quy hoạch thêm 10.000 ha KCN tiềm năng khi đáp ứng điều kiện pháp lý và chỉ tiêu sử dụng đất.

Việc phát triển các KCN mới được ưu tiên dọc theo các trục giao thông quan trọng như cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Vành đai 4, Vành đai 5, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và phát triển kinh tế bền vững.

Hiện, tỉnh đã hoàn thiện và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận danh mục quy hoạch KCN Tam Dương I - khu vực 3 để phát triển thành KCN công nghệ cao của tỉnh.

Tiếp tục cụ thể hóa phương án phát triển hệ thống KCN trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo đà thu hút các nhà đầu tư chiến lược mới, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 06 về việc tổ chức lập quy hoạch phân khu xây dựng KCN trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, năm 2025, lập quy hoạch phân khu các KCN gồm Lập Thạch I (điều chỉnh tổng thể Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 phát triển công nghiệp và dịch vụ hai bên đường từ cầu Bì La đi trung tâm thị trấn Lập Thạch), Lập Thạch II, Bình Xuyên - Yên Lạc I, Bình Xuyên - Yên Lạc II, Tam Dương II - Khu B, Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (Khu vực I), Yên Lạc, Đồng Sóc - Yên Lạc. Năm 2026, lập quy hoạch phân khu KCN Sông Lô III. Năm 2031, lập quy hoạch phân khu KCN Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (khu vực còn lại).

Hiện, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch để đảm bảo quy hoạch KCN có tính ổn định, lâu dài và thực tiễn cao; xây dựng, triển khai quy hoạch KCN gắn với thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, quy hoạch đô thị và các quy hoạch ngành liên quan.

Chi Chi (t/h)