Năm 2022 là năm thứ 15 cuộc thi được tổ chức tại Việt Nam và là lần thứ tư cuộc thi mở rộng tới các nước ASEAN. Cuộc thi do Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA) chủ trì, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Cục ATTT, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) tổ chức.
Tại vòng thi sơ khảo này, các đội thi thực hành về ATTT theo hình thức vượt qua thử thách theo chủ đề (jeopardy), trong vòng 8 tiếng. Vòng thi này có sự tham gia của 72 đội từ 29 trường đại học (ĐH) và học viện của Việt Nam và 40 đội thuộc 17 trường của 06 nước ASEAN khác (Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào, Singapore và Thái Lan).
Đội được giải Nhất vòng sơ khảo sẽ tham dự cuộc thi Cyber SeaGames 2022 do Nhật Bản tài trợ cho các nước ASEAN vào đầu tháng 11/2022.
![Đội đạt giải Nhất vòng sơ khảo khu vực phía Bắc Đội đạt giải Nhất vòng sơ khảo khu vực phía Bắc](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2022/10/16/c1-1665923330.jpg)
Các đội thi được chia thành 3 bảng: Bảng VN1 gồm 34 đội thi Việt Nam của các trường khu vực phía Bắc. Bảng VN2 gồm 38 đội thi Việt Nam của các trường khu vực Phía Nam và bảng ASEAN gồm 40 đội của các nước ASEAN khác.
Các đội thi thực hiện bài thi online trên cùng một hệ thống máy chủ của Ban tổ chức. Điểm thi các các đội có thể theo dõi trực tiếp trên wesite của Ban Tổ chức (https://quals.ascis.vn/scoreboard).
Các đội thi của bảng VN1 thi tập trung tại Học viện Kỹ thuật mật mã (Hà Nội), bảng VN2 thi tập trung tại ĐH Công nghệ TP. Hồ Chí Minh. Thí sinh các nước ASEAN khác dự thi hoàn toàn online dưới sự giám sát của ban tổ chức và Ban giám khảo qua hệ thống camera kết nối vào nền tảng Hội nghị truyền hình.
Vòng chung khảo sẽ được tổ chức vào ngày 05/11/2022 với sự có mặt của 20 đội đứng đầu 03 bảng thi sơ khảo: 5 đội bảng VN1, 5 đội bảng VN2 và 10 đội bảng ASEAN (các đội Việt Nam sẽ thi tập trung tại Hà Nội, các đội ASEAN thi online). Điểm mới năm nay là mỗi Trường (hoặc Cơ sở đào tạo) có không quá 1 đội được chọn vào vòng chung khảo.
Hà Trần