Vụ việc bắt nguồn từ năm 2008, ông Lưu Tấn Tiến được cấp sổ đỏ 76 thửa đất thuộc khu H2. Năm 2009, khi tại khu vực này được miễn phép xây dựng, chưa có quy hoạch 1/500 và 1/2000, trên 16 thửa đất ở 2 đầu khu H2, ông Tiến xây lên 20 căn nhà nhưng chưa làm thủ tục nhập tách thửa, xoay hướng.
Năm 2017, ông Tiến chuyển nhượng toàn bộ khu H2 cho bà Nguyễn Thị Nhung. Bà Nhung cho dọn dẹp, hoàn thiện các căn nhà, sau đó ký hợp đồng với Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ và xây dựng địa ốc Kim Oanh để môi giới, tìm kiếm khách hàng.
Các khách hàng sau đó đã thỏa thuận với bên bán và bên môi giới với việc sẽ đặt cọc mua nhà đất, cam kết đã hiểu rõ tình trạng pháp lý nhà đất, cùng nhau đi làm thủ tục xin nhập tách thửa mà ông Tiến còn chưa hoàn thiện. Ngay sau khi đặt cọc, 20 hộ dân đã được nhận nhà cùng giấy tờ, vào sinh sống hoặc cho thuê sinh lời.
Như đã nói ở trên, các căn nhà này được xây vào thời điểm không cần xin phép xây dựng, xây trước khi khu vực có quy hoạch 1/2000 và 1/500. Thế nhưng, ngày 26/5/2020, UBND thị xã Bến Cát vẫn không đồng ý cho các hộ dân H2 này nhập tách thửa, xoay hướng với lý do nhà xây không phép, sai quy hoạch. Lỗi đến từ việc cán bộ chỉ quy hoạch trên giấy, nhưng hậu quả lại đẩy cho người dân. Một điều đáng lưu ý khác, chính quyền thị xã Bến Cát cũng không hướng dẫn người dân phải xử lý ra sao trước tình huống này.
Trước thực tế trên, tuân thủ hợp đồng đặt cọc, công ty môi giới là Kim Oanh đã thông báo họp khách hàng, đề nghị thanh lý hợp đồng, người bán trả lại tiền cùng một khoản hỗ trợ, bên mua trả lại nhà. Có 17/20 khách hàng đã chấp nhận phương án này, tuy nhiên có 3 khách không đồng ý, đòi số tiền lớn gấp nhiều lần tiền đặt cọc, như có người đặt cọc 3,5 tỷ đồng, nay đòi tới 11 tỷ đồng.
Dù đây chỉ là quan hệ dân sự thương mại, không hề có sự gian dối, lừa đảo nào, không có hành vi chiếm đoạt, không có thiệt hại xảy ra, nhưng “đột nhiên” xuất hiện người làm đơn tố cáo Công ty Kim Oanh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Và sau đó, Công an tỉnh Bình Dương đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra hành vi trốn thuế và lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến bà Đặng Thị Kim Oanh – Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ - Thương mại & Xây dựng địa ốc Kim Oanh (Công ty Kim Oanh).
Theo đại diện Công ty Kim Oanh, doanh nghiệp này đã thực hiện nhiều phương án để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng theo đúng thỏa thuận. Cụ thể căn cứ Phụ lục 1 Biên bản bàn giao nhà ở, từ ngày 8/11/2017, Công ty Kim Oanh đã tiến hành bàn giao nhà ở cho ông Lưu Văn Thùy – một trong những người tố giác. Sau đó vì lý do khách quan từ phía cơ quan chức năng, ngày 26/5/2020, UBND thị xã Bến Cát ban hành Văn bản số 1645/UBND-KT không chấp nhận phương án tách thửa, xoay hướng cho lô H2 nên không thể làm GCNQSDĐ cho ông Thùy.
Để giải quyết vấn đề này, ngày 7/9/2020, Công ty Kim Oanh đã ra thông báo số 405/2020/TB-KO gửi ông Thùy với thiện chí mong muốn được khách hàng chấp thuận, nhưng sau đó do không tìm được tiếng nói chung nên Công ty Kim Oanh đã buộc phải khởi kiện ông Lưu Văn Thùy. Còn khách hàng Phạm Khả Bôn, do hai bên không thoả thuận được nên Công ty Kim Oanh buộc phải khởi kiện vụ án dân sự với ông Bôn tại Tòa án nhân dân thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Đối với người tố giác là ông Nguyễn Công Khuê, tại biên bản làm việc ngày 13/8/2020 nêu rõ: ông Khuê đồng ý tiếp tục ở căn nhà, không thanh lý, cùng Cty Kim Oanh hoàn thiện thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước cấp GCNQSDĐ. Ông Khuê cũng cam kết rút, không nộp đơn đến các cơ quan chức năng để khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc tố giác tội phạm vì nhận thức đây là giao dịch dân sự.
Như vậy cả 3 người được cho là người tố giác bà Đặng Thị Kim Oanh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đều đã nhận được những hồi đáp đầy thiện ý từ Công ty Kim Oanh. Thậm chí có những khách hàng còn rất thông cảm với tình huống mà Công ty Kim Oanh không thể làm thủ tục cấp GCNQSDĐ cho người mua vì lý do khách quan. Nhìn vào cách thức giải quyết vụ việc của Công ty Kim Oanh và động thái của khách hàng, dư luận đang đặt ra rất nhiều nghi vấn về nội dung tố giác.
Đại diện Công ty Kim Oanh cho biết, ngày 7/12/2020 và 8/12/2020 vừa qua, Công ty đã gặp gỡ với các khách hàng với sự chứng kiến của cơ quan báo chí và đạt được kết quả thỏa thuận.
Cụ thể, khách hàng Phạm Khả Bôn khẳng định: Ông đầu tư rất nhiều vào Công ty Kim Oanh, bản thân ông không hề muốn thưa kiện. Công ty Kim Oanh kinh doanh rất uy tín, không hề lừa đảo hay chiếm đoạt tài sản của ông. Khi xảy ra sự việc không thể cấp GCNQSDĐ, phía Kim Oanh đã nhiều lần liên hệ ông Bôn, nhưng do hai bên chưa đạt được sự thống nhất nên chưa thể giải quyết. Ông Bôn cũng đang sử dụng tài sản và mong muốn tiếp tục được sử dụng, không hề mong muốn thanh lý.
Ông Bôn khẳng định: “Tôi và một số khách hàng đã bị một số người xúi giục, nhiều lần mời đến Nhà văn hóa Ấp 6 vận động ông viết đơn tố cáo Công ty Kim Oanh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tôi hoàn toàn không muốn làm đơn, nhưng những người này thông tin nếu không làm đơn tố giác tội phạm sẽ không đòi được tiền. Đơn họ tự làm và đưa tôi ký chứ tôi hoàn toàn không biết nội dung đơn tố giác là gì”.
Ông Nguyễn Công Khuê – một trong 3 người tố giác cũng có khẳng định tương tự: Công ty Kim Oanh kinh doanh uy tín, hoàn toàn không lừa đảo hay chiếm đoạt tài sản của ông. Khi biết việc không thể cấp GCNQSDĐ, Công ty Kim Oanh đã nhiều lần liên hệ mời ông lên làm việc để tìm phương án giải quyết. Tuy nhiên do bị một số người xúi giục, nhiều lần mời đến Nhà văn hóa Ấp 6, vận động ông viết đơn tố cáo Công ty Kim Oanh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông hoàn toàn không muốn làm đơn nhưng họ đã thông tin nếu không làm đơn tố giác tội phạm sẽ không đòi được tiền, nên ông Khuê đành phải viết đơn. Ông Khuê cũng khẳng định là bản thân mình cũng không mong muốn tố giác công ty Kim Oanh.
Sau đó, Công ty Kim Oanh liên tục thiện chí mời ông Khuê đến giải quyết vấn đề nên nhận thấy việc tố giác là không đúng. Ông đã nhiều lần gửi văn bản đến cơ quan công an đề nghị rút đơn tố giác nhưng trong Quyết định khởi tố của cơ quan công an lại căn cứ đơn tố giác của ông.
Ngày 07/12/2020, Công ty Kim Oanh và ông Khuê đã ký kết Văn bản thoả thuận huỷ bỏ Hợp đồng đặt cọc, theo đó công ty sẽ hoàn trả toàn bộ khoản tiền đã nhận là 1.478.656.000 đồng và hỗ trợ 321.344.000 đồng. Tổng cộng công ty đã hoàn tất thanh toán và ông Khuê đã nhận đầy đủ số tiền là 1.800.000.000 đồng.
Một khách hàng khác là ông Phan Văn Đính cũng thông tin tương tự về việc người của Cơ quan chức năng nhiều lần liên hệ, nhắc nhở ông viết tố giác. Nhưng ông Đính đã đề nghị Công ty Kim Oanh hủy Hợp đồng đặt cọc và nhận lại tiền.
Liên quan đến sự việc này, ngày 26/8/2020, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) có Văn bản 5805/C03-P15 gửi Giám đốc Công an Bình Dương, hướng dẫn nghiệp vụ, nêu ý kiến sự việc chỉ là quan hệ dân sự. “Các giao dịch này là vô hiệu theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015”.
Tại văn bản của Bộ Công an cũng nêu rõ: “Trên nội dung hợp đồng thể hiện bên đặt cọc đã biết rõ tình trạng pháp lý của bất động sản nên cần phải làm rõ toàn bộ nội dung giao dịch, xác định cụ thể thông tin về tình trạng pháp lý của các căn nhà mà Công ty Kim Oanh cho khách hàng biết khi ký hợp đồng, nhận tiền để xác định Công ty Kim Oanh có thủ đoạn gian dối khi thực hiện giao dịch hay không, từ đó xác định dấu hiệu tội phạm và xử lý theo quy định”.
Từ những thông tin trên, Công ty Kim Oanh cho rằng việc Công an tỉnh Bình Dương ra quyết định khởi tố còn nhiều uẩn khúc. Bởi chính căn cứ là nguồn tin tố giác tội phạm cũng thiếu xác thực, những người tố giác có những thông tin phủ nhận việc tố giác. Từ đó bà Đặng Thị Kim Oanh đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xác minh, xử lý những thông tin trên để tránh ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự, uy tín và quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp.
Nhóm PV