(TH&CL) Xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) hiện có tới 9 chợ dân sinh và trung tâm thương mại (TTTM). Tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn tiếp tục… “đập trường” THCS (được công nhận trường chuẩn quốc gia năm 2012), dỡ bãi đỗ xe của chợ Nành (chợ truyền thống), đào nghĩa trang để tiếp tục xây chợ và TTTM, gây bất bình trong nhân dân.

Việc làm... táo bạo

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên địa bàn xã Ninh Hiệp hiện có 3 chợ dân sinh, 2 TTTM, 1 chợ truyền thống (chợ Nành), phía đầu xã (địa bàn giáp tỉnh Bắc Ninh) có thêm chợ Ba Za và hàng loạt ki-ốt.

Hiện tại, 2 TTTM là Phú Điền và Sơn Long mới cho thuê hết khoảng 30% diện tích. Còn chợ Ba Za thì… vắng như chùa Bà Đanh. Năm 2010, UBND xã Ninh Hiệp đã có dự định “dỡ” chợ Nành để xây dựng TTTM hoành tráng, nhưng vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân nên sự việc tạm thời “chìm xuống”.

Cuối năm 2013, Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung (Công ty Tuấn Dung) lại tiếp tục đề xuất UBND xã, huyện và Thành phố xin  5.400 m2 đất… để xây TTTM. Tiếp đó, một liên doanh, gồm: Công ty Kim Điền, Công ty CP Dược liệu Trung ương 2 và Công ty Tân Vĩnh Phát, tiếp tục xin chuyển trường THCS ra vị trí khác để xây thêm… TTTM. Vụ việc này như giọt nước tràn ly khiến người dân cho rằng, lãnh đạo xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm cố tình… đẩy hàng nghìn tiểu thương “mất cơm” vì lấy mất bãi gửi xe giáp chợ Nành ra một nơi cách xa hơn 1 km – liệu ai còn vào chợ Nành mà mua bán? Mặt khác, Trường THCS được công nhận đạt chuẩn quốc gia chưa lâu (năm 2012), nếu lại đập bỏ là một sự lãng phí lớn.

Khu bãi gửi xe, trường học là khu “đất vàng” của xã Ninh Hiệp. Chính vì thế, người ta tính toán, nếu để cho DN vào đầu tư xây TTTM – sẽ bán với giá rẻ nhất là 6 tỷ đồng/ki ốt. Đổi lại, các DN trên chỉ cần “lại quả” cho xã 1 khu trường học mới (gồm trường mầm non, tiểu học và THCS) khoảng 120 tỷ đồng!

Không tán thành với cách làm của chính quyền địa phường, các hộ kinh doanh đồng loạt bãi thị, học sinh cũng “góp tiếng nói với phụ huynh” bằng việc bãi khóa. Hàng trăm người đổ về trụ sở UBND xã Ninh Hiệp để phản đối việc làm của chính quyền địa phương (ảnh).

Không minh bạch

Ông Nguyễn Đình Toản (thôn 5, xã Ninh Hiệp) bức xúc: “Khi điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới, chính quyền xã không tiến hành họp dân, không công bố trên loa truyền thanh. Vì vậy, “chủ trương” di dời trường học, thu hồi khu nhà để xe chợ Nành và khu đất 5.400 m2 của Công ty Tuấn Dung để tiếp tục xây dựng TTTM, người dân không hề biết? Chỉ đến khi các DN đưa giấy tờ có liên quan đến các dự án rồi mời người dân mua ki-ốt thì họ mới biết về những thông tin “động trời” nói trên.

Theo đơn tố cáo của các tiểu thương chợ Nành, mặc dù chợ và TTTM chưa được xây dựng, mới có văn bản chấp thuận chủ trương của UBND Thành phố Hà Nội, nhưng một số DN, như: Công ty Tuấn Dung, Công ty CP Dược liệu Trung ương 2, Công ty CP Đầu tư và Tư vấn Kim Điền, Công ty TNHH  Đầu tư Thương mại và Phát triển Vĩnh Phát (Công ty Vĩnh Phát)… đã rao bán các gian hàng và tiến hành thu tiền của người dân đặt mua mỗi gian hàng từ 500 triệu đồng đến 5 tỷ đồng (tiền đặt cọc); giá bán mỗi gian hàng các DN trên đưa ra là từ 6 - 16 tỷ đồng. Ước tính, số tiền các DN này đã nhận từ người dân lên đến 500 tỷ đồng, cho thấy cách làm “tiền trảm hậu tấu” có nhiều khuất tất. Đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ và xử lý nghiêm minh, tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng gây tổn hại lợi ích của các tiểu thương.

Hoàng Thanh – Tư Hoành