Phong tục dựng nêu ngày Tết
Hằng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, ngày Táo quân chầu trời, cũng là lúc người dân tổ chức lễ thượng nêu. Người xưa quan niệm rằng, chính vì từ ngày này cho tới đêm Giao thừa, vắng mặt Táo quân nên ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, do đó phải trồng cây nêu để trừ tà ma, tạo lập hạnh phúc cho gia đình.
Vào những ngày này, có dịp đi dọc các tuyến đường liên xã, liên huyện, chúng ta sẽ bắt gặp hình ảnh cây nêu với đủ các loại màu sắc đang nhấp nháy, phát ra những ánh sáng trông rất bắt mắt. Cây nêu được người dân dựng ngay trước cổng nhà hoặc sân nhà, dùng để trang trí và trấn an tinh thần chuẩn bị cho năm làm ăn mới, cầu cho những điều may mắn đến với gia đình mình.
Cây nêu nhà cụ Nguyễn Ngọc Thao về đêm (Thạch Đồng)
Phố nêu Thạch Đồng (Ảnh: Kien Nguyen)
Được biết, trước đây cây nêu truyền thống được làm bằng cây tre, quấn quanh là lá cây đủng đỉnh, phía ngọn cây nêu thường là cành tre và treo nhiều vật dụng, vừa mang ý nghĩa chủ quyền, vừa mang ý nghĩa tâm linh xua đuổi ma quỷ và cầu mong một năm mới tốt lành, tùy theo phong tục của từng địa phương.
Ngày nay, cây nêu được người dân cách tân, thân cây nêu vẫn được làm bằng cây tre dài, nhưng phía ngọn cây được thay thế bằng các loại đèn Led và đèn nháy, sử dụng các chíp điện tử công nghiệp và treo thêm một số đèn lồng của Việt Nam. Sự thay thế và cách tân này làm cho cây nêu ngày càng trở nên đẹp, hiện đại hơn, nhưng vẫn mang phong cách xưa cũ truyền thống và thu hút nhiều người tham gia trồng loại cây “đặc biệt” này trước nhà.
Là người có nhiều năm làm cây nêu bằng điện tử bán ra thị trường, anh Trần Hậu Thanh (khối phố Linh Tân, phường Thạch Linh, TP. Hà Tĩnh) cho biết: “Khoảng hơn 1 ngày là tôi làm được 1 cây nêu. Cứ mỗi cái Tết như thế, tôi bán ra thị trường khoảng 20 cây nêu. Mỗi cây nêu có giá trị khác nhau, tùy vào người đặt làm, giá cả. Tính ra, mỗi cây nêu có giá từ 1 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng. Muốn có cây nêu ngày Tết, họ phải đặt cách đây khoảng 1 tháng mới làm kịp. Bởi lẽ, nhà nào cũng dựng cây nêu đồng loạt vào ngày 23 Âm lịch".
Ông Trần Hậu Ân chia sẻ với PV: “Với người dân Việt Nam, cứ mỗi độ Xuân về, Tết đến lại trồng cây nêu để trấn an tinh thần. Trước đây, cây nêu truyền thống, nhưng ngày nay xã hội phát triển, được người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào cây nêu như đèn Led. Trên ngọn cây nêu thường treo các vật dụng khác nhau, tùy vào phong tục mỗi vùng quê. Người dân ở các vùng như Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... thường có tập tục trồng cây nêu này vào dịp Tết Nguyên đán.
Chiêm ngưỡng cây nêu sau khi dựng lên
Đi quanh một vòng, chúng tôi tìm đến nhà Cụ Nguyễn Ngọc Thao (86 tuổi, xã Thạch Đồng). Cụ chia sẻ: “Tôi bây giờ quỹ thời gian ngắn rồi nên rất thích trồng cây nêu mỗi độ Xuân về, thấy lòng mình phấn chấn”.
Bể cạn xưa của nhà ông Văn Ngọc Hồ (Thạch Đồng)
Đến nhà ông Văn Ngọc Hồ ở Thạch Đồng, từ ngõ đi vào, đập ngay vào mắt đó là ngôi nhà rường cổ kính, trước sân nhà có một bể cạn theo kiểu xưa, vừa thả cá, vừa trồng súng, thả bèo nhỏ, ngay trong sân có một cây nêu, trông rất đẹp mắt. Ông Văn Ngọc Hồ chia sẻ: “Tôi làm nêu chỉ chơi trong gia đình và giúp bà con, không kinh doanh. Nhưng năm nào tôi cũng chuẩn bị từ sớm, các vật liệu, đến ngày dựng nêu là đưa lên trình làng, không có cây nêu buồn lắm, nhất là lúc Giao thừa, thấy lòng bất an”.
Việc dựng cây nêu tại xã Thạch Đồng, khi mỗi độ Xuân về, Tết đến - là nét văn hóa truyền thống cần lưu giữ, để thế hệ con cháu sau này hiểu thêm về ý nghĩa ngày Tết truyền thống của Việt Nam…
Hoàng Hữu Quyết