Sáng 18/12, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21 với chủ đề "Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của các địa phương" đã chính thức khai mạc. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự trực tiếp của hơn 300 đại biểu từ các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo các cơ quan ngoại vụ và các đại sứ, tổng lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chức năng, hiệp hội doanh nghiệp, đại diện doanh nghiệp; lãnh đạo và cán bộ các đơn vị trong Bộ Ngoại giao...
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, từ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 đến nay, tình hình thế giới và khu vực đã trải qua những biến động lớn, phức tạp, tác động nhiều chiều đến nước ta cũng như sự phát triển của các địa phương.
Các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, diễn ra sôi động, rộng khắp các kênh đối ngoại, các lĩnh vực, các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng. Ngoại giao kinh tế đã huy động nhiều nguồn lực bên ngoài, đóng góp quan trọng vào kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân cũng đạt nhiều kết quả quan trọng.
“Trong thành tựu chung to lớn đó của đối ngoại, có đóng góp quan trọng của đối ngoại địa phương. Quán triệt chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, bám sát Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và các định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, công tác đối ngoại địa phương được triển khai chủ động, tích cực và đồng bộ hơn, nhiều mặt đã được đổi mới, sáng tạo và hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Điểm lại những thành tựu của đối ngoại địa phương, người đứng đầu ngành Ngoại giao thông tin, với sự chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp và hỗ trợ của các cơ quan trung ương, các địa phương đã thực hiện tốt công tác biên giới lãnh thổ, góp phần củng cố vững chắc đường biên giới hòa bình, hữu nghị và họp tác phát triển. Ngoại giao kinh tế của hầu hết các địa phương đã được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả hơn.
Trong 03 năm qua, các địa phương đã ký 422 thỏa thuận hợp tác với các đối tác quốc tế; riêng xuất khẩu của 05 địa phương gồm TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên và Hải Phòng năm 2023 đã vượt tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước cách đây 10 năm. Ngoại giao văn hóa ở các địa phương tiếp tục khởi sắc với 13 danh hiệu được UNESCO công nhận trong 0
Ba năm qua và còn nhiều hồ sơ di sản đang được UNESCO xem xét. Kết nối địa phương với đồng bào ta ở nước ngoài ngày càng sâu rộng, chặt chẽ hơn, thiết thực phục vụ phát triển địa phương.
“Những kết quả quan trọng này có được là nhờ đường lối đối ngoại đúng đắn, chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Đảng và Nhà nước ta; sự phối hợp, hỗ trợ của các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương. Đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương và sự quyết tâm, nỗ lực vượt bậc của các cơ quan đối ngoại và ngoại vụ địa phương. Thay mặt ngành Ngoại giao, tôi nhiệt liệt hoan nghênh và chúc mừng các cấp chính quyền địa phương về kết quả to lớn đã đạt được trong công tác đối ngoại địa phương trong thời gian qua”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chỉ rõ.
Xác định đối ngoại địa phương là một trong những binh chủng hợp thành quan trọng của đối ngoại, Bộ Ngoại giao đề cao tinh thần phục vụ, luôn coi trọng phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn và đồng hành cùng các địa phương trong tất cả các lĩnh vực ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, biên giới lãnh thổ, truyền thống đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước, bảo hộ công dân... Nhờ đó, đã góp phần bảo đảm đối ngoại địa phương bám sát chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chỉ ra những giải pháp để làm tốt hơn, hiệu quả hơn trong công tác đối ngoại địa phương. Đó là, cần đổi mới tư duy hơn nữa để công tác đối ngoại địa phương mang tầm chiến lược hơn, đồng bộ và sáng tạo hơn. Các địa phương cần kết hợp hiệu quả “sức mạnh dân tộc” với sức mạnh thời đại để tăng cường sức mạnh tổng thể. Các địa phương cũng cần chung tay, cùng liên kết, phân công và hợp tác để phát huy tối ưu nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của từng vùng trong hợp tác cấp độ địa phương với các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài, tránh tình trạng tác chiến độc lập.
Để phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của các địa phương, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Hội nghị thảo luận kỹ lưỡng, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, biện pháp triển khai công tác đối ngoại địa phương trong những năm tới; đồng thời, gợi mở một số vấn đề:
Thứ nhất, tổ chức quán triệt, thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận, chỉ thị về đối ngoại mà Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII. Các cơ quan đối ngoại địa phương cần chủ động tham mưu các cấp chính quyền địa phương cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, kế hoạch gắn với điều kiện đặc thù và mục tiêu phát triển bền vững của địa phương. Bộ Ngoại giao cùng các ban, bộ, ngành trung ương tiếp tục đồng hành, phối hợp và hướng dẫn triển khai.
Thứ hai, phát huy tốt thế và lực mới cùa đất nước để tiếp tục đẩy mạnh đối ngoại địa phương một cách đồng bộ, hiệu quả, sáng tạo, trong đó ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, cơ bản. Với thế và lực của nước ta ngày nay đã khác so với trước trên nhiều phương diện, các địa phương cần xác định tâm thế mới trong quan hệ với các đối tác quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tiếp cận liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm, lấy chất lượng, hiệu quả và tính bền vững làm tiêu chí hàng đầu.
Thứ ba, phát triển đối ngoại địa phương theo hưởng chuyên nghiệp, hiện đại, trong đó then chốt là nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại địa phương. Các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm bố trí, sử dụng hiệu quả nguồn lực dành cho công tác đối ngoại địa phương. Ngành ngoại giao sẽ tiếp tục, đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực triển khai đối ngoại và hội nhập quốc tế của các địa phương.
Bộ trưởng kỳ vọng Hội nghị sẽ góp phần tạo nên bước chuyển biến mới trong công tác đối ngoại địa phương, đóng góp tích cực vào thúc đẩy phát triển bền vững của các địa phương trong thời gian tới.
Để ghi nhận những đóng góp tích cực vào thành tựu đối ngoại của đất nước nói chung và công tác ngoại vụ địa phương nói riêng cũng như sự hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ của các địa phương đối với Bộ Ngoại giao trong những năm qua, tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp ngoại giao" cho Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trịnh Quốc Nam; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk H'Yim Kdoh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Chương; Phó Chủ tịch tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Hoàng Việt Phương.
Trao Kỷ niệm chương cho Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang Đỗ Quốc Hương; Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Bắc Giang Phạm Dương Tuyển; Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Lạng Sơn Trần Thị Vân Thùy; tặng Bằng khen Bộ trưởng cho các cá nhân, tập thể đã có thành tích xuất sắc trong công tác ngoại vụ địa phương giai đoạn 2020-2022.
Hội nghị Ngoại vụ sẽ diễn ra trong cả ngày với Phiên khai mạc, Phiên đối nội vào buổi sáng, Phiên đối ngoại sẽ diễn ra vào buổi chiều với sự tham gia của các đoàn ngoại giao, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và một số doanh nghiệp tiêu biểu.
Theo VOV.vn