Ông Đinh Sỹ Minh Lăng, Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ cho biết, người tiêu dùng tại thị trường EU rất chú trọng đến các khía cạnh môi trường và xã hội. Họ đề cao các giá trị bền vững như bảo đảm sức khỏe con người, môi trường, giảm khí carbon… Thực phẩm cần đảm bảo 2 phương diện giảm lượng hóa chất trong thực phẩm và không gây ô nhiễm môi trường dự kiến sẽ tăng lên nhanh chóng.
Bên cạnh đó, do người EU có mức thu nhập cao nên họ cần những sản phẩm thương hiệu gắn liền với chất lượng chứ không quan tâm đến giá cả. Ngoài ra, tiêu chí về sự tiện dụng cũng được họ đưa ra khi lựa chọn hàng hóa.
Nhấn mạnh hơn nữa xu hướng nông sản, thực phẩm xanh tại Châu Âu, ông Trần Ngọc Quân - Tham tán thương mại tại Bỉ và EU khuyến cáo đến các doanh nghiệp: Tất cả các cơ sở nông nghiệp của EU đang phải chuyển đổi theo hướng xanh hoá. Vì vậy, không có lý do doanh nghiệp của Việt Nam đứng ngoài do trước đây, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xanh, sạch là yêu cầu của nhóm mua, người mua hàng, nay, nó trở thành quy định. Do vậy, đây là xu thế tất yếu trong tương lai.
Với mặt hàng nông sản thực phẩm, theo ông Trần Ngọc Quân, doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý đến hai khía cạnh. Thứ nhất, theo Luật Thực phẩm chung, tất cả thực phẩm được bán trên thị trường Liên minh Châu Âu phải an toàn. Thứ hai, quy định luật hạn chế các chất, hóa chất và chất gây ô nhiễm, tồn dư.
Đặc biệt, các doanh nghiệp khi hợp tác với Châu Âu cần lưu ý đến chính sách Green Deal trong nông nghiệp và chính sách từ nông trại đến bàn ăn (Farm to Fork). Năm 2019, Ủy ban Châu Âu đã khởi động Thỏa thuận xanh Châu Âu (EGD). Đây là một gói các hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên trong khi vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế. Điều này có nghĩa là các sản phẩm được bán tại thị trường EU sẽ cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững cao hơn.
Ngoài ra, về quy tắc ghi nhãn, ông Trần Ngọc Quân khuyến cáo, các quy tắc về ghi nhãn trong quy định mới của tổ chức hữu cơ sẽ không chỉ bao gồm nhãn trên sản phẩm mà còn áp dụng cho tất cả các tuyên bố, chỉ dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, hình ảnh hoặc dấu hiệu liên quan đến một sản phẩm trên bao bì, tài liệu, dấu hiệu, nhãn, vòng hoặc các dải đi kèm hoặc đề cập đến sản phẩm đó. Chỉ cho phép sử dụng các thuật ngữ như hữu cơ và sinh thái hoặc các thuật ngữ ngắn hơn như “sinh học” và “sinh thái” nếu sản phẩm được chứng nhận hữu cơ.
Các doanh nghiệp cần nhìn nhận thật kỹ về thị hiếu tiêu dùng của khách hàng, không phải sản phẩm được ưa chuộng tại Việt Nam đã được ưa chuộng tại EU. Người Châu Âu đặc biệt chú trọng đến quy cách đóng gói. Các sản phẩm nông sản ví dụ tiêu, cà phê sẽ được ưu tiên lựa chọn nếu được đóng gói bằng các nguyên liệu an toàn, thân thiện và bảo vệ môi trường…
Anh Minh