Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện Việt Nam duy trì 11 nhóm mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 7 nhóm mặt hàng như: gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, cà phê, gạo, cao su và rau quả, hạt điều đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Mặc dù đã và đang đạt được những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, nhưng có 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu và bán ở thị trường nước ngoài dưới thương hiệu không phải của doanh nghiệp Việt Nam.
Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày một lớn, việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu được xem là giải pháp đặc biệt quan trọng để nông sản Việt chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thế giới. Không chỉ có vậy, quan tâm đến bảo hộ thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, quản lý có hiệu quả hệ thống chỉ dẫn địa lý còn giúp doanh nghiệp bảo đảm quyền lợi trong hoạt động lưu thông, chào bán, xuất nhập khẩu hàng hóa...
Thực tế, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA)... đã giúp doanh nghiệp khai thác được thêm những lợi thế tuyệt đối với một số mặt hàng nông sản mới như mặt hàng gạo, đặc biệt là gạo chất lượng cao và gạo thơm, được minh chứng qua sự tăng trưởng vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu đối với một số thị trường tại EU gấp 2 hoặc 3 lần so với trước đây.
Hay như đối với mặt hàng rau củ quả, cũng có sự tăng trưởng đáng khích với kim ngạch xuất khẩu hơn 200 triệu USD vào năm 2022, giúp Việt Nam trở thành nhà cung cấp thứ 59 trên thế giới về mặt hàng này đối với thị trường EU.
Vì vậy, để thúc đẩy phát triển các mặt hàng nông sản với giá trị cao, bền vững, chiếm vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế, nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng bảo hộ cho thương hiệu nông sản Việt được cho là một trong những vấn đề cấp bách.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Trong đó, mỗi loại sản phẩm cần xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, minh bạch, giám sát được, không chỉ qua tích tụ đất đai mà bằng liên kết các nông hộ, liên kết chặt chẽ vùng trồng với doanh nghiệp là cơ sở quan trọng để đảm bảo sản lượng, chất lượng, xây dựng thương hiệu.
Song song với đó, cần tổ chức tốt việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài, nghiên cứu giống, cấp chỉ dẫn địa lý và đẩy mạnh chế biến, chế biến sâu tạo giá trị gia tăng nhằm góp phần từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt.
“Kinh nghiệm thực tiễn của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, để thành công trong việc thúc đẩy tiêu thụ đặc sản địa phương tại các thị trường xuất khẩu, cần chú trọng đến việc gây dựng, bảo vệ và gìn giữ thương hiệu. Do đó, ngoài việc quy hoạch phát triển các vùng nông sản chất lượng cao thì cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam trên thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài...”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Còn theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - Đặng Phúc Nguyên, nông sản Việt muốn chiếm lĩnh thị trường trong nước và tham gia sân chơi quốc tế cần phải coi trọng bản quyền và sở hữu trí tuệ. Nhà nước cần tăng cường định hướng doanh nghiệp, Hợp tác xã xây dựng và quảng bá thương hiệu trong nước cũng như quốc tế thông qua việc ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam.
Cùng với các vấn đề đã nêu, một số ý kiến cũng cho rằng, để xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt, trước tiên, cần phải thay đổi nhận thức cho các chủ thể, bởi, trong thời đại cạnh tranh về thương hiệu, chỉ những hàng hóa có thương hiệu mới có giá trị cao.
Bên cạnh đó, các bộ ngành cũng cần phát triển những vùng nguyên liệu sản xuất để tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng mã vùng, mã số. Mỗi địa phương cũng nên chọn một vài sản phẩm đặc trưng của mình để hỗ trợ xây dựng, bởi nếu chỉ có hô hào mà thiếu đi hỗ trợ thì doanh nghiệp cũng khó bắt tay với chủ thể sản xuất xây dựng thương hiệu.
Được biết, liên quan đến vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt, Chính phủ đã phê duyệt và triển khai nhiều chương trình như: Chiến lược xây dựng thương hiệu thực phẩm Việt Nam, Chương trình thương hiệu quốc gia (Vietnam Value), Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050... mục đích của các chương trình này nhằm xây dựng, quảng bá nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ hàng hóa của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước, để sản phẩm hàng hóa của Việt Nam phát huy giá trị, nâng cao sức cạnh tranh.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp