Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, địa phương chú trọng phát huy tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là về nguồn nguyên liệu, lao động,... để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.
Qua đó, đưa Chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, sau gần 04 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các sản phẩm OCOP của tỉnh đã phát huy được giá trị, tạo nên thương hiệu trên thị trường. Bước đầu hình thành nên chuỗi giá trị, đặc biệt trong chương trình có sự tham gia của 1 tổ hợp tác và 9 hợp tác xã với 14 sản phẩm.
Với điều kiện tự nhiên có nhiều thuận lợi, Bến Tre đã phát triển nhiều sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng của địa phương như: các sản phẩm từ dừa, bưởi da xanh, tôm biển, khô... Thời gian qua, tỉnh thường xuyên đầu tư, nâng cấp, chuẩn hóa, không ngừng hoàn thiện các sản phẩm OCOP đã có, đồng thời xây dựng và phát triển thêm nhiều sản phẩm mới để tham gia chương trình. Các sản phẩm OCOP cũng đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, gia tăng doanh thu và tạo ra nhiều thị trường mới đối với các chủ thể.
Qua khảo sát, đa số các chủ thể đều đánh giá rằng từ khi tham gia chương trình OCOP doanh thu của chủ thể tăng từ 20- 30% so với trước khi tham gia chương trình. Bến Tre đã triển khai mạnh mẽ nhiều hoạt động về quảng bá, hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP.
Các địa phương vận động, hỗ trợ, khuyến khích các chủ thể tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Nhờ đó, đã góp phần tuyên truyền hình ảnh sản phẩm của các chủ thể không chỉ trong tỉnh mà còn đến những tỉnh khác trong nước. Hiện nay, hầu hết các sản phẩm OCOP của tỉnh đã tham gia rất nhiều kênh phân phối để trưng bày, giới thiệu, quảng bá không chỉ trong tỉnh mà còn trên cả nước (cửa hàng trưng bày sản phẩm OCOP, trang thương mại điện tử, siêu thị,...). Nhiều sản phẩm đã tạo dựng nên thương hiệu như: các sản phẩm từ dừa, bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm, nhãn,... được người tiêu dùng biết đến và đánh giá cao. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Đoàn Văn Đảnh, thời gian tới, để triển khai chương trình ngày một hiệu quả, đúng thực chất, nhu cầu của người dân, các cấp ủy đảng, sở, ngành, các địa phương phải xác định thực hiện đề án OCOP là nhiệm vụ quan trọng, cần phải thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu các sản phẩm.
Xác định các sản phẩm OCOP có vai trò quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, ngay từ khi triển khai Chương trình OCOP, tỉnh đã tạo điều kiện cho các chủ thể ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng; hoàn thiện mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ cho các dự án phát triển theo chuỗi giá trị; hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, qua đó, từng bước khẳng định thương hiệu.
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến, quảng bá thương mại sản phẩm OCOP cũng được các ngành, địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, để có 176 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 4 sao và 25 sản phẩm đạt 5 sao đến cuối năm 2022 theo kế hoạch, tỉnh đã và đang tập trung đồng bộ nhiều giải pháp nâng hạng sản phẩm OCOP, hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị sản xuất theo tiêu chuẩn, bảo đảm các điều kiện xếp hạng sản phẩm OCOP theo quy định.
Trang Nguyễn