Nhiều sản phẩm nông sản Việt nam bán ra thị trường phải thông qua thương hiệu nước ngoài
Thiếu thương hiệu, yếu vị thế
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, hiện có tới hơn 80% lượng hàng nông sản của nước ta XK thông qua các thương hiệu nước ngoài.
Chè Việt Nam là một sản phẩm có tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý thương hiệu ở tầm quốc gia và 80% sản lượng chè sản xuất trong nước được XK tới hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ, song rất ít NTD nước ngoài biết đến thương hiệu chè Việt Nam. Lý do là phần lớn chè được XK ở dạng thô. Các DN nước ngoài, sau khi nhập về mới chế biến và bán dưới tên, thương hiệu chè của nhiều nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc...
Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai thế giới về sản xuất cà phê, đứng đầu thế giới về sản xuất cà phê robusta (còn gọi là cà phê vối), nhưng tại thị trường nước ngoài, cà phê Việt Nam hiện chưa có thương hiệu. Nguyên nhân cũng bắt nguồn từ việc DN Việt Nam chỉ bán hạt cho các nhà rang xay lớn trên thế giới, sau đó các DN nước ngoài chế biến, đóng hộp với thương hiệu của họ, bán cho NTD. Một sản phẩm có thế mạnh khác là gạo, phần lớn DN chỉ XK dưới cái tên chung chung là 5% hay 25% tấm, mà chưa có được một thương hiệu cụ thể có giá trị kinh tế. Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2015, nhưng đến nay, vẫn chưa có chuyển biến đáng kể.
Trong khi việc xây dựng thương hiệu còn hạn chế, thì một số sản phẩm nông nghiệp đã định danh được thương hiệu như nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết, cà phê Buôn Ma Thuột, mỳ gói, phở khô… lại xảy ra tình trạng bị nước ngoài đăng ký độc quyền tại các quốc gia khác. Câu chuyện phở Việt của Công ty CPF (Thái Lan) sản xuất bán tại Mỹ là một thí dụ. Loại phở này, đang bán rất chạy ở Mỹ. Lúc đầu, Công ty CPF chỉ đặt văn phòng thương mại, nhưng trước nhu cầu đòi hỏi của thị trường, họ lập tức xây dựng riêng một nhà máy và hiện tại, đã trở thành nhà máy lớn nhất trong hệ thống.
Không chỉ có phở, cho đến nay, không ít sản phẩm nông sản Việt Nam có tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, nhưng hầu hết chưa được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nước ngoài như vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), chôm chôm chợ Lách, bưởi da xanh (Bến Tre), xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu (Đồng Tháp), quýt đường (Trà Vinh), gạo tám xoan Hải Hậu (Nam Định), gạo Điện Biên (Điện Biên), gạo nàng thơm chợ Đào, cà phê Buôn Ma Thuột, hồ tiêu Chư Sê, hồ tiêu Phú Quốc, hồ tiêu Lộc Ninh, hồ tiêu Quảng Trị, hạt điều Bình Phước…
Tại Đồng Tháp, xoài Cát Chu Cao Lãnh và xoài Cao Lãnh là hai sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận trong nước và đang xuất khẩu sang nhiều thị trường, kể cả các thị trường khó tính như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhưng chưa được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài. Để khắc phục tình trạng này, địa phương đã mời chuyên gia tư vấn để thực hiện đầy đủ các yêu cầu, thủ tục của quy trình, song cũng còn phải chờ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước.
Có thể thấy, sự chậm trễ cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng nhãn hiệu hàng hóa hay chỉ dẫn địa lý nông sản Việt rất dễ bị DN nước ngoài đăng ký trước và khai thác.
Tạo “con dấu” cho nông sản
Đánh giá về hoạt động đăng ký, bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam hiện nay, chuyên gia Vũ Xuân Trường (Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh) nhận định: Đối với các thương hiệu nông sản nổi tiếng, chúng ta mới chỉ đặt nền móng ban đầu. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu chưa làm được nhiều, nhất là đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nước ngoài. Đây là việc tiến hành các thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài.
Đặc biệt, bảo hộ sở hữu trí tuệ có nguyên tắc cơ bản là bảo hộ theo lãnh thổ, cho nên nhãn hiệu của chúng ta được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, thì chỉ có giá trị tại Việt Nam, không được bảo hộ tại lãnh thổ của nước khác.
Do đó, nếu không đăng ký ở một nước khác, đồng nghĩa với khả năng nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý có thể bị đăng ký bởi một DN khác và họ trở thành chủ sở hữu nhãn hiệu, độc quyền sở hữu nhãn hiệu cho sản phẩm đã được đăng ký. Hệ quả là, họ có quyền yêu cầu cơ quan hải quan ngừng thông quan NK đối với hàng hóa cùng nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý vào thị trường đó, vì đã bị coi là vi phạm sở hữu trí tuệ. Chính vì vậy, để bảo vệ thương hiệu, các DN cần chủ động xác định, chọn thị trường tiêu thụ quan trọng ở nước ngoài để đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình.
Có thể thấy, trong điều kiện của các DN Việt Nam hiện nay, việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản ở nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn, kể cả đối với nhãn hiệu hàng hóa hay chỉ dẫn địa lý. Nguyên nhân một phần là do kinh phí đăng ký tương đối lớn, bao gồm các chi phí cho luật sư ở nước sở tại, cơ quan sở hữu trí tuệ thẩm định đơn đăng ký. Các chi phí tìm hiểu, khảo sát thị trường trước đó cũng không hề nhỏ. Với thực trạng phần lớn DN nông nghiệp của nước ta chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ, chi phí tài chính càng trở nên hết sức khó khăn. Chưa kể, không ít DN vẫn còn tư duy “có gì bán nấy”, miễn là có lợi nhuận mà thiếu quan tâm xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Ngoài ra, những “rào cản” về pháp lý, đòi hỏi phải đầu tư công sức, tiền bạc để tìm kiếm, thu thập, do mỗi quốc gia có yêu cầu, thủ tục riêng cũng làm nản lòng không ít DN.
Để giải quyết tình trạng đó, các cơ quan chức năng như Cục Sở hữu trí tuệ, các sở KH&CN địa phương cần có giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn DN về thủ tục đăng ký. Các công ty, văn phòng đại diện sở hữu công nghiệp trong nước có thể cung cấp các dịch vụ tư vấn và hoàn thiện thủ tục nhằm trợ giúp nhãn hiệu nông sản dễ dàng đăng ký ở những nước cần thiết.
Việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản Việt Nam đã trở thành vấn đề cấp bách, cần được quan tâm, trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu như hiện nay. Điều đó, không chỉ bảo đảm quyền sở hữu các nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý hàng hóa nông sản của Việt Nam ở trong nước cũng như nước ngoài, mà quan trọng hơn đó chính là tạo “con dấu” minh chứng cho chất lượng nông sản Việt. Và nó cũng đồng nghĩa với việc tăng kim ngạch XK, lợi nhuận thu được từ sản xuất của ngành nông nghiệp, khẳng định giá trị của mặt hàng nông sản Việt, nâng cao đời sống người nông dân.
Hoan Nguyễn