Bộ Công Thương ước tính, tháng 9/2018 lượng sắn và sản phẩm từ sắn xuất khẩu đạt 150 nghìn tấn, trị giá 63 triệu USD, tăng 44,7% về lượng và tăng 39,8% về trị giá so với tháng 8/2018; giảm 51,5% về lượng và giảm 25,3% về trị giá so với tháng 9/2017; giá xuất khẩu bình quân sắn và sản phẩm từ sắn tăng 57,3% so với cùng kỳ năm 2017 lên 420 USD/tấn.
Tính chung 9 tháng năm 2018, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu đạt 1,83 triệu tấn, trị giá 701 triệu USD, giảm 35,6% về lượng và giảm 2,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017, giá xuất khẩu bình quân đạt 381 USD/tấn, tăng 51,3% so với cùng kỳ năm 2017.
(Ảnh minh họa)
Bộ Công Thương cho biết, tháng 9/2018, giá sắn tăng nhẹ so với cuối tháng 8/2018. Tại Tây Ninh, giá sắn mua vào của các nhà máy tiếp tục tăng thêm từ 50 - 100 đồng/kg so với cuối tháng 8/2018, đạt mức từ 3.250 - 3.450 đồng/kg. Lượng sắn củ nhập khẩu từ Căm-pu-chia về các nhà máy không đủ đáp ứng cho công suất hoạt động.
Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá sắn thu mua của các nhà máy (bao gồm cả các loại phụ phí) dao động từ 2.800 - 3.100 đồng/kg, tuỳ nhà máy. Dự kiến thu hoạch sắn tại Tây Nguyên phải cuối tháng 10/2018, đầu tháng 11/2018 mới rộ hơn, do năm nay sắn trồng 2 năm không còn.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 8/2018, xuất khẩu tinh bột sắn đạt 77,28 nghìn tấn, trị giá 36,65 triệu USD, giảm 16,8% về lượng và giảm 20,2% về trị giá so với tháng 7/2018; giá xuất khẩu trung bình đạt 474 USD/tấn, giảm 4% so với tháng 7/2018.
Trong đó, 90,2% lượng tinh bột sắn xuất khẩu sang Trung Quốc, đạt 69,67 nghìn tấn, trị giá 32,74 triệu USD, giảm 14,4% về lượng và giảm 18,1% về trị giá so với tháng 7/2018.
Xuất khẩu sắn lát khô đạt 11,91 nghìn tấn, trị giá 3,45 triệu USD, giảm 37,5% về lượng và giảm 29,9% về trị giá so với tháng 7/2018. Giá xuất khẩu trung bình đạt 290 USD/tấn, tăng 12,4% so với tháng 7/2018.
Được biết, Trung Quốc là thị trường dẫn đầu về xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc.
Ngọc Linh