Tháng 7 năm 1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris đã lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (tiếng Pháp: Fédération Internationale Syndicale des Enseignants – FISE).
Năm 1949, tại một hội nghị ở Warszawa (thủ đô của Ba Lan), Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục đã ra bản “Hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục trong đó bảo vệ những quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo.
(Ảnh minh họa)
Công đoàn giáo dục Việt Nam, là thành viên của FISE từ năm 1953, đã quyết định, trong cuộc họp của FISE từ 26 đến 30 tháng 8 năm 1957 tại Warszawa, lấy ngày 20 tháng 11 năm 1958 là ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo”. Ngày này lần đầu tiên được tổ chức trên toàn miền Bắc Việt Nam năm 1958.
Khi Việt Nam thống nhất, ngày này đã trở thành ngày truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam. Vào ngày 28 tháng 9 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT thiết lập ngày 20 tháng 11 là ngày truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam.
Ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn với những người thầy cô giáo. Vì vậy, cứ mỗi khi gần đến dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, trong tim mỗi người lại xuyến xao nhớ lại về người thầy trong tâm khảm của mình.
Trong những ngày này, tại các cơ sở giáo dục trên cả nước đều tổ chức các chương trình nhằm tôn vinh những nhà giáo, những người thầy, cô. Đông đảo học trò thể hiện lòng biết ơn sâu sắc tới thầy cô của mình bằng những lời ca, tiếng hát và vô vàn lời chúc tốt đẹp.
Đây cũng là một dịp để những người đã trải qua thời học sinh có dịp quay trở lại thăm trường xưa, thăm những thầy cô giáo cũ và ôn lại những kỷ niệm đẹp một thời đã qua.
Bởi vậy mà không tự nhiên lại có câu nói: “Nghề giáo là những nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”…
Hằng Vương (t/h)