Nhiều cán bộ, giáo viên trong hệ thống các trường khi đề cập đến công tác y tế học đường hiện nay, đều nhận định bị "lãng quên" hoặc "thiếu sự quan tâm"… Hàng trăm nghìn học sinh chịu thiệt thòi từ sự thiếu quan tâm này.

Rất ít trường mầm non, tiểu học có phòng y tế

Chỉ mang tính hình thức

Theo tìm hiểu thì, tại một số trường, đa số cán bộ làm công tác y tế trường học (YTTH) đều là kiêm nhiệm, có thể là giáo viên, nhân viên văn phòng hoặc tài vụ, kế toán kiêm nhân viên y tế…

Tính trung bình, các cấp học chỉ cho khoảng 15% số người làm chuyên trách; nhiều địa phương có tỷ lệ cán bộ YTTH chuyên trách rất thấp như Hà Nam 1,2%, Thanh Hóa 1,9%... Đáng chú ý là cấp học càng thấp thì số cán bộ chuyên trách YTTH càng giảm, trong đó tỷ lệ của mầm non chỉ đạt 5,9%. Tỷ lệ trường có phòng y tế trung bình chỉ đạt 39%, trong đó mầm non là cấp học có tỷ lệ phòng YTTH thấp nhất với 26%, trong khi cấp THPT đạt 63%. Sự cần thiết của YTTH đang ngày càng rõ, vậy mà ngay ở cấp học mầm non, lứa tuổi cần được chăm chút từng li, công tác YTTH phục vụ trẻ lại ở mức nhỏ giọt nhất.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT: Mỗi trường mầm non phải có nhân viên y tế chuyên trách hoặc kiêm nhiệm có trình độ từ trung cấp y trở lên. Nhân viên làm kiêm nhiệm công tác y tế trong các trường mầm non nhất thiết phải qua bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về y tế trường học. Ngoài việc quản lý, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em trong trường, tổ chức khám bệnh định kỳ cho trẻ, nhân viên y tế phải có trách nhiệm tổ chức thực hiện vệ sinh học đường, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh…

Bộ cũng yêu cầu mỗi trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ phải có một phòng làm việc của nhân viên y tế (phòng y tế) trong khu vực hành chính đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh, diện tích từ 12 m2 trở lên, thuận tiện cho công tác sơ cứu, cấp cứu, chăm sóc sức khỏe ban đầu và vận chuyển trẻ em bị tai nạn hay ốm đau đột xuất đến cơ sở y tế. Nhưng xem ra, việc thực hiện yêu cầu này tại các trường chỉ mang tình hình thức.

Bởi lẽ, nếu theo đúng quy định thì các trường mầm non đạt chuẩn quốc gia đều phải có phòng y tế và phải có nhân viên y tế thường xuyên túc trực. Tuy nhiên thực tế, có đến trên 95% các phòng y tế đều không có cán bộ y tế trực, người trực tiếp quản lý phòng y tế thông thường là kế toán hoặc giáo viên trực kiêm nhiệm.

Dù không có báo cáo, thống kê nhưng trên thực tế đã có nhiều tình huống vì không hiểu chuyên môn nghiệp vụ nên nhiều thầy cô giáo đã gián tiếp gây ra hậu quả đau lòng thương tâm cho học sinh và gia đình, trong khi nếu được sơ cấp cứu kịp thời và đúng cách có thể tránh được những tình huống đáng tiếc xảy ra.

Bỏ ngỏ đến bao giờ?

Thủ tướng Chính phủ và nhiều bộ, ngành đã có văn bản chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện công tác y tế trong trường học. Hằng năm, sở GD-ĐT các địa phương có văn bản hướng dẫn các trường triển khai công tác y tế trường học. Song thực tế, các trường không thể triển khai nhiều mặt hoạt động trong công tác y tế học đường vì "lực bất tòng tâm"?

Ông Nguyễn Hữu Uyển, Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế Thanh Hóa) cho biết: “Trong tổng số 650 trường THCS thì chỉ 120 trường có nhân viên y tế hợp đồng; 75/109 trường THPT có nhân viên y tế nhưng hầu hết đều vừa thiếu, vừa yếu cả về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, không bảo đảm chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho học sinh…”.

Theo ông Uyển thì, việc tìm ra giải pháp tối ưu để đảm bảo cho các em được chăm lo cẩn thận, phát triển tốt về thể chất - tinh thần, trí tuệ là hết sức quan trọng và cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành liên quan, chứ không phải những lời nói suông, rồi bỏ ngỏ như hiện nay.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, qua thăm khám sức khỏe định kỳ cho học sinh từ tiểu học đến trung học, tỷ lệ các bệnh học đường đang ở mức cao: tỷ lệ cong vẹo cột sống là 10,1%, tỷ lệ cận thị 13,5%, tỷ lệ sâu răng 58%... Hiện có tới 30% số trường chưa có đủ nước uống và nguồn nước sinh hoạt phục vụ học sinh và giáo viên, 32% số trường chưa có nhà vệ sinh hợp vệ sinh, 25% trường chưa có hệ thống thu gom xử lý rác…

Ngọc Anh