Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Công ty Xi măng Phúc Sơn: Góc khuất sai phạm trăm tỷ

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra nhiều sai phạm tại Công ty Xi măng Phúc Sơn (Hải Phòng - DN có vốn Đài Loan) và đề nghị truy thu hàng trăm tỷ đồng. Thế nhưng, để ra được kết quả này, KTNN đã phải dùng nhiều biện pháp nghiệp vụ và cũng vấp phải không ít phản ứng của Công ty Xi măng Phúc Sơn.

Công ty Xi măng Phúc Sơn: Góc khuất sai phạm trăm tỷ - Hình 1

KTNN xác định số tiền cần truy thu đối với Công ty Xi mang Phúc Sơn lên đến 266 tỷ đồng

Thuê chuyên gia để “vạch” sai phạm

Công ty Xi măng Phúc Sơn chính thức được Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép khai thác mỏ đá vôi ở núi Trại Sơn (Thủy Nguyên, Hải Phòng) ngày 6/5/1996; diện tích khai thác là 31,5 ha.

Trong thời gian hoạt động, công ty liên tiếp bị người dân phản ánh về những dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường. Năm 2017, DN này đã bị Tổng cục Môi trường xử phạt 360 triệu đồng, yêu cầu dừng hoạt động trong 3 tháng, do có một số hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Mới đây, KTNN kết luận: Công ty Xi măng Phúc Sơn khai thác vượt công suất, dưới cốt +5 m, vượt ranh giới cho phép dẫn đến khối lượng đá nguyên khai chưa kê khai tính thuế tài nguyên và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước khác là 8,3 triệu m3; chưa kê khai tính phí bảo vệ môi trường là 9,7 triệu m3; khối lượng tài nguyên đã khai thác dưới cốt cho phép (+5 m) là 434.000 m3.

KTNN tạm xác định, DN còn phải nộp ngân sách nhà nước khoảng 266 tỷ đồng thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và các khoản phải nộp khác có liên quan.

Việc xác định số tiền cần truy thu lên đến 266 tỷ đồng, KTNN cũng đã phải rất cẩn trọng, nhưng không tránh khỏi phản ứng gay gắt của Công ty Xi măng Phúc Sơn. Công ty này không đồng tình với khối lượng khai thác và đề nghị truy thu tiền mà KTNN vạch ra.

Theo KTNN, để xác định việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước của DN khai thác khoáng sản, đòi hỏi phải xác định chính xác khối lượng khoáng sản DN đã khai thác thực tế. Do lĩnh vực đo đạc khoáng sản là lĩnh vực chuyên sâu nên để củng cố bằng chứng kiểm toán, KTNN đã sử dụng chuyên gia theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước. Đơn vị chuyên gia được KTNN lựa chọn là Công ty TNHH Công nghệ Niềm Tin (Công ty Niềm Tin) với 20 năm hoạt động và phát triển.

KTNN cho biết: Công ty Niềm Tin đã lựa chọn phương pháp truyền thống để đo đạc lượng khoáng sản đã khai thác (không phải đo trữ lượng còn lại) phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành tại Việt Nam. Đó là xây dựng số hóa mặt địa hình tại thời điểm kiểm toán so sánh với mặt địa hình khi giao mỏ làm cơ sở để xác định số lượng khoáng sản đã khai thác.

Sau đó, Công ty Niềm Tin sử dụng phương pháp đo bằng UAV (bao gồm mô hình số độ cao và bình đồ ảnh) để kiểm chứng lại kết quả đo đạc.

Khi KTNN tổ chức Hội nghị thông báo kết quả kiểm toán, UBND TP. Hải Phòng và một số sở, ngành liên quan có ý kiến về cơ sở pháp lý của phương pháp đo bằng UAV. Tuy nhiên, sau khi Công ty Niềm Tin trình bày rõ phương pháp đo, tại hội nghị thông báo kết quả kiểm toán, UBND TP. Hải phòng và các sở, ban, ngành có liên quan đã hoàn toàn đồng thuận với cách xác định của Công ty Niềm Tin.

Đối với mô hình bề mặt địa hình khi giao mỏ, KTNN xác định lấy theo mô hình gốc tại thời điểm giao mỏ đầu tiên năm 1996. Tuy nhiên, do Công ty Xi măng Phúc Sơn không cung cấp được bản đồ giao mỏ nên Công ty Niềm Tin phải sử dụng bản đồ địa hình 1/10.000 - do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành (đo vẽ năm 2004; hiệu chỉnh năm 2009 - 2010 bằng phương pháp ảnh số), phù hợp với thời điểm Công ty Xi măng Phúc Sơn bắt đầu hoạt động năm 2005 (sau 10 năm xây dựng nhà máy).

“Trong quá trình giải trình kết quả đo, Công ty Xi măng Phúc Sơn cho rằng, tỷ lệ bản đồ có sai sót rất lớn; tuy nhiên DN này không chỉ ra được các điểm sai sót”, KTNN cho biết.

Không nhận được sự hợp tác?

Về phần trữ lượng cấp phép khai thác khoáng sản tại mỏ Trại Sơn A mà Công ty Xi măng Phúc Sơn có nêu tại Công văn phản đối ngày 24/01/2018, KTNN cho rằng đó là trữ lượng gia hạn cấp phép năm 2015 (sau 10 năm khai thác), hoàn toàn không phù hợp vơi trữ lượng cấp phép ban đầu năm 1996.

Đáng chú ý, KTNN tiết lộ trong quá trình kiểm toán, Công ty Xi măng Phúc Sơn “không hợp tác trao đổi cung cấp bổ sung các tài liệu”.

Vì vậy, KTNN không tiếp cận được các tài liệu đánh giá trữ lượng khoáng sản liên quan đến chỉ số độ rỗng của khoáng sản để có thể tính toán mức độ ảnh hưởng phần nào đến kết quả đo đạc.

Sau khi tổ chức Hội nghị thông báo kết quả kiểm toán, Công ty Xi măng Phúc Sơn chỉ cung cấp bổ sung cho KTNN bản đồ tỷ lệ 1/2.000 khu mỏ A. Tuy nhiên, theo phản hồi của Công ty Niềm Tin thì, bản đồ đã được tẩy xóa các đường đồng mức, không còn giữ tỷ lệ 1/2.000, nhiều chỗ có sai số lên đến 8 m (tương ứng với tỷ lệ 1/50.000).

Thực tế, Công ty Xi măng Phúc Sơn chưa đồng thuận với kết quả đo do Công ty Niềm Tin thực hiện và đơn vị này có ý kiến phải dựa trên số chênh lệch về đánh giá trữ lượng của mỏ năm 2015 so với năm 1996 để làm cơ sở tính toán khối lượng khai thác.

Tuy nhiên, KTNN khẳng định quan điểm trên là hoàn toàn không đúng: “Chuyên gia sử dụng mô hình hiện trạng thể tích ban đầu khi giao mỏ để tính toán là hoàn toàn chính xác, do đặc điểm mỏ đá vôi có tính đồng nhất giữa thể tích đường bao của mỏ với thể tích khoáng sản. Nói cách khác, các mỏ chỉ có khoáng sản đá vôi và 100% thể tích mỏ có giá trị kinh tế”.

KTNN cho hay, thực hiện đo đạc khối lượng khoáng sản thực tế đã khai thác đối với 2 DN (Công ty Xi măng Phúc Sơn và Công ty CP Thương mại Tân Hoàng An), nhưng chỉ có Công ty Xi măng Phúc Sơn là không đồng thuận về kết quả do KTNN đưa ra. Trong khi đó, Công ty CP Thương mại Tân Hoàng An đã đồng ý với kết quả đo đạc và kiến nghị truy thu 294 tỷ đồng tiền thuế và các khoản khác phải nộp ngân sách của KTNN.

Quá trình làm việc, các kiểm toán viên và các chuyến gia thuộc Công ty Niềm Tin thực hiện theo đúng quy trình, quy định của KTNN và các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Cụ thể, trước khi thực hiện đo đạc, KTNN đã có các văn bản thông báo cho UBND TP. Hải Phòng, UBND huyện Thủy Nguyên, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp trong việc đo đạc hiện trạng mỏ của Công ty Xi măng Phúc Sơn. Tuy nhiên, KTNN cho biết, khi cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Thủy Nguyên, cán bộ địa chính xã đến Công ty Xi măng Phúc Sơn để nhận tài liệu và bàn giao các điểm mốc giới theo thông báo, nhưng không nhận được sự phối hợp từ phía Công ty Xi măng Phúc Sơn. Công ty Xi măng Phúc Sơn chỉ cử một cán bộ dẫn bàn giao các điểm mốc giới mà không cử cán bộ có thẩm quyền tiếp Đoàn để trao đổi các vấn đề có liên quan đến công tác kiểm tra, đo đạc của KTNN.

 “Công ty Niềm Tin đã tác nghiệp theo đúng thời gian, nội dung trong hợp đồng với KTNN và không làm việc với Công ty Xi măng Phúc Sơn để đảm bảo tính độc lập, khách quan của số liệu và kết quả tính toán. Trong quá trình thực hiện đo đạc, KTNN cũng không nhận được bất cứ ý kiến phản hồi nào từ các bên liên quan về việc thực hiện nhiệm vụ của Công ty Niềm Tin”, KTNN viện dẫn quá trình kiểm toán để chứng minh kết quả kiểm toán là chính xác.

Bùi Quyền

Bài liên quan

Tin mới

SASCO: Trồng hơn 1.000 cây đước trên vùng rừng ngập mặn ven biển
SASCO: Trồng hơn 1.000 cây đước trên vùng rừng ngập mặn ven biển

Ngày 25/4, đoàn viên thanh niên Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) đã trồng hơn 1.000 cây đước trên vùng rừng ngập mặn ven biển huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre). Hoạt động này thuộc dự án trồng rừng “chồi xanh hạnh phúc” do công ty phát động.

Tư vấn đầu tư PP Enterprise (PPE) trong quý I/2024 không ghi nhận doanh thu, liên tục đổi chủ
Tư vấn đầu tư PP Enterprise (PPE) trong quý I/2024 không ghi nhận doanh thu, liên tục đổi chủ

PPE là một doanh nghiệp có vốn điều lệ nhỏ, cổ đông cô đặc nhưng liên tiếp thay đổi cổ đông lớn và lãnh đạo, với sự xuất hiện của bóng dáng nhiều tên tuổi lớn.

Hòa Phát: Nợ vay vọt tăng sau 1 quý, một phần đáng kể rót vào "siêu" DA Dung Quất 2
Hòa Phát: Nợ vay vọt tăng sau 1 quý, một phần đáng kể rót vào "siêu" DA Dung Quất 2

Qua 1 quý, Hoà Phát (mã: HPG) đã ghi nhận tăng hơn 12.000 tỷ đồng tiền vay nợ so đầu năm. Phần lớn trong khoản này, được doanh nghiệp rót vào "quả đấm thép" Gang thép Dung Quất 2.

Hơn 121 triệu tài khoản cá nhân được ngành thuế nắm dữ liệu ngân hàng
Hơn 121 triệu tài khoản cá nhân được ngành thuế nắm dữ liệu ngân hàng

Ngành thuế hiện nắm giữ dữ liệu về tài khoản thanh toán của trên 9 triệu tổ chức và trên 121 triệu cá nhân tại 96 ngân hàng thương mại. Trong báo cáo mới phát đi, Tổng cục Thuế cho biết đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu để phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Kinh doanh mỹ phẩm chưa được cấp phép bị xử phạt thế nào?
Kinh doanh mỹ phẩm chưa được cấp phép bị xử phạt thế nào?

Hành vi kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm chưa được công bố (chưa được cấp phép lưu hành) là hành vi bị xem xét xử phạt vi phạm theo quy định tại khoản 2, Điều 68 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

Chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp: Quy định về tài khoản kế toán từ 1/1/2025
Chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp: Quy định về tài khoản kế toán từ 1/1/2025

Thông tư 24/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn Chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp, trong đó quy định về tài khoản kế toán.