Trong số các địa phương thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành sản xuất thép ở miền Trung có dự án thép tại Hà Tĩnh của Tập đoàn Tata (Ấn Độ), vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD và Nhà máy thép Quảng Liên (Quảng Ngãi) vốn đầu tư 4,5 tỷ USD. Vậy nhưng, cả hai dự án này đều có vấn đề khi mới đây, Tata có văn bản ngừng dự án, còn Quảng Liên thì “treo” đã gần 7 năm nay và chưa có lối ra.
Tata-tà tà = chấm hết!
7 năm, dự án thép Quảng Liên vẫn chưa xong phần đế móng.
Năm 2007, tỉnh Hà Tĩnh nổi đình đám về thu hút FDI so với cả nước khi Tata Steel ký biên bản ghi nhớ hợp tác dự án tổ hợp luyện cán thép 5 tỷ USD ở Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng. Với dự án này, Tata đã đưa Hà Tĩnh trở thành “dấu chấm đỏ” trên lược đồ 15 KKT của cả nước, vượt qua cả Dung Quất (Quảng Ngãi) khi đó được đánh giá là KKT hiệu quả nhất với vốn thu hút đầu tư hơn 10 tỷ USD. Vinh dự và niềm tin ấy càng được khẳng định hơn khi tháng 8-2008, biên bản hợp tác kinh doanh giữa các bên chính thức được ký kết có kế hoạch khởi động và hoàn thành hẳn hoi. Theo đó, Tập đoàn Tata góp 65% vốn, Tổng Công ty Thép Việt Nam và Tổng Công ty Xi măng Việt Nam góp 35% vốn. Theo thỏa thuận, liên doanh thép sẽ nắm 30% mỏ quặng sắt Thạch Khê (tỉnh Hà Tĩnh). Dự án được chia làm 3 giai đoạn, năm 2018 hoàn tất và sẽ có những mẻ sản phẩm thép đầu tiên. Ấy vậy nhưng, những hy vọng đó cứ dài ra cùng năm tháng và đến những ngày đầu năm 2014, Tata chính thức phát đi thông báo dừng đầu tư dự án với thông tin ngắn gọn: “Sự chậm trễ trong việc phê duyệt dự án và những thử thách trong môi trường kinh doanh” đã đặt dấu chấm hết cho 7 năm đợi chờ của chính quyền và những bất an của người dân vì có nhà trong vùng dự án có thể di dời bất cứ khi nào.
7 năm, vẫn... “treo”
Tata dừng dự án thép tại Hà Tĩnh, đương nhiên đến thời điểm hiện tại, “ngôi vương” nhường về cho dự án nhà máy thép Quảng Liên tại KKT Dung Quất (Quảng Ngãi) với số vốn 4,5 tỷ USD. Đây cũng là dự án chiếm diện tích mặt đất và mặt nước nhiều nhất (hơn 700ha), thay đổi chủ đầu tư có lẽ cũng nhiều nhất (4 nhà đầu tư) và cũng là những dự án “treo” lâu nhất (7 năm) và hiện vẫn tiếp tục... “treo”.
Ông Lê Văn Dũng, Phó Trưởng BQL KKT Dung Quất, cho biết: 7 năm, tổng vốn đầu tư của dự án mới thực hiện được khoảng 50 triệu USD. Dự án chậm là do khủng hoảng kinh tế, các ngân hàng của châu Âu và Mỹ đã thoái lui. Để tiếp tục có vốn triển khai dự án, chủ đầu tư đã điều chỉnh công suất nhà máy từ 5 - 7 triệu tấn/năm; vốn đầu tư từ 3 tỷ USD lên 4,5 tỷ USD, nhưng khả năng thu xếp vốn của chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn.
Giữa tháng 9-2011, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã làm việc với chủ đầu tư, nhà cung cấp thiết bị và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc để thuyết phục ngân hàng này cho Quảng Liên vay vốn. Phía ngân hàng này dù đã quan tâm đến trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án và cho biết trên cơ sở đó sẽ có báo cáo cụ thể về chuyến khảo sát. Tuy nhiên, đến nay chẳng có hồi âm? Đích thân Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng cũng đã nhiều lần trực tiếp làm việc với đối tác, thậm chí chế tài thời gian triển khai nhưng mỗi khi định rút giấy phép thì chủ đầu tư lại xin gia hạn và nảy sinh yếu tố mới. Ông Lê Văn Dũng cho biết thêm, hiện nay tỉnh đang phối hợp với Bộ KH-ĐT điều chỉnh, làm rõ các vấn đề về dự án trình Thủ tướng xem xét trong thời gian sớm nhất vì dự án đã có sự tham gia của Tập đoàn thép JFE (Nhật Bản) liên doanh với E-United và được điều chỉnh công suất lên 7 triệu tấn sản phẩm/năm, JFE sẽ nắm giữ khoảng 90% cổ phần. “Nếu Thủ tướng thông qua thì dự án sẽ khởi động ngay trong năm 2014”, ông Dũng cho hay
* Năm 2007, Tata dự kiến triển khai dự án thép tại KKT Vũng Áng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Sau đó, vì nhiều lý do, Tata lại muốn liên doanh với đối tác Việt Nam để triển khai dự án. Dự kiến sẽ xây dựng nhà máy 4,5 triệu tấn/năm với sản phẩm là thép tấm, thép cuộn cán nóng, cuộn cán nguội. Thời gian xây dựng từ 2009 - 2015, chia làm 2 giai đoạn. Nguồn nguyên liệu chính lấy từ quặng sắt ở mỏ Thạch Khê (ở phía Bắc tỉnh Hà Tĩnh). * Dự án Nhà máy thép Guang Lian (Quảng Liên) trước đây thuộc Công ty TNHH Tycoons Worlwide Steel Việt Nam (TWS), chính thức khởi công xây dựng tháng 10-2007, vốn đầu tư trên 1 tỷ USD. Năm 2008, dự án hợp tác với Công ty TNHH Guang Lian (Quảng Liên) Steel Việt Nam, vốn điều chỉnh lên trên 3,3 tỷ USD và nay đang đề nghị được nâng vốn lên 4,5 tỷ USD, công suất 7 triệu tấn/năm. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ hoàn thành giai đoạn 1 đưa vào vận hành chạy thử cuối năm 2012; giai đoạn 2 hoàn thành vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, do không có vốn nên dự án bị “treo”. |
Theo SGGP