Cô Tô đang từng bước trở thành điểm du lịch biển thu hút du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ, với biển xanh, cát trắng, đồ hải sản tươi ngon và con người thân thiện. Tuy nhiên, khi du khách đến với Cô Tô ngày một đông, thì hiện tượng “chặt chém” cũng vì thế nhen nhóm…
Giẫm lên vết xe đổ
Ngoài việc đánh bắt và khai thác thủy hải sản, huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) còn được ví như Hawaii của Việt Nam hay đảo Ngọc giữa Vịnh Bắc Bộ với biển xanh, cát trắng, nắng vàng… Trước đây, khi Cô Tô chưa hòa lưới điện quốc gia, khách đến với Cô Tô còn hạn chế vì chưa có nhiều dịch vụ thỏa mãn nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách. Tháng 10/2013, Cô Tô chính thức được hòa lưới điện quốc gia, diện mạo Cô Tô thay đổi từ đó.
Từ một huyện đảo nghèo, có lưới điện về, nhà nghỉ mọc lên san sát, dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng phát triển theo. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cần có những chiến lược lâu dài, tránh tình trạng “cò” ép khách như một số điểm du lịch đã bị dư luận lên án. Mặc dù vậy, Cô Tô dường như đang đi vào “lối mòn” mà ngành du lịch đang cố gắng “đào thải” đó là hiện tượng “loạn giá phòng” mùa du lịch.
Những năm trước, khi đến Cô Tô, du khách thường thuê lại nhà dân với mức giá hợp lý. Tuy nhiên, sau khi được hòa lưới điện quốc gia, nhà nghỉ bắt đầu mọc lên, phòng ốc cũng khang trang, tiện nghi hơn. Điều đáng buồn là Cô Tô dần đi vào lối mòn của việc “hét giá” khi mà du lịch biển vào mùa “gặt hái”.
Cung không đủ cầu, được đà, giá phòng cứ tăng vùn vụt khi mà không đặt phòng trước, đến nơi du khách sẽ không thể tìm được cho mình phòng ưng ý.
“Thuê chốn ngủ nghỉ tại nhà dân, giờ đây cũng lên tới 500.000 đồng/phòng/ngày, các nhà nghỉ loại trung bình lên tới 650.000 đồng/phòng/ngày. Mà em không thuê ở chị thì đến ngày đó không còn phòng đâu. Đó là giá vào dịp cuối tuần, còn đầu tuần thì rẻ hơn 100.000 đồng”, một chủ nhà nghỉ cho hay.
Để du lịch trở thành ngành mũi nhọn
Việc Cô Tô đang đi “ngược” lại những quy định tại Điều 66 “Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh lưu trú du lịch về giá phòng”, đã ảnh hưởng không nhỏ đến khách du lịch khi tới đây. Khi mà Cô Tô mới chỉ là điểm du lịch tiềm năng và dần phát triển, lẽ ra những bài học đắt giá từ những điểm du lịch khác, các cơ quan liên quan và cả người dân Cô Tô phải hiểu rõ nhất cái “được” và “mất” từ nạn “chặt chém”. Vậy mà, chỉ có vài tháng kinh doanh lưu trú, không ít chủ nhà nghỉ có thể tùy tiện tăng giá phòng để có thể “vặt” sạch “hầu bao” của khách du lịch?
“Chặt chém giá phòng” là một trong những vấn nạn “đau đầu” của ngành du lịch trong vài năm trở lại đây, đang phải đối mặt với việc lên án từ phía du khách. Thiết nghĩ, để du lịch Cô Tô trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế, có thể làm “vui lòng khách đến – vừa lòng khách đi”, Sở Văn hóa - Thể thao và Du Lịch Quảng Ninh cần có những biện pháp chấn chỉnh và niêm yết giá phòng theo quy định, tránh tình trạng khách một đi không trở lại, dù Cô Tô có rất nhiều tiềm năng chưa khai thác.
Cao Huyền – Quang Nam