Bạn đọc liên tiếp phản ảnh tới Thương hiệu & Công luận, về việc khách hàng sử dụng thuê bao Vinaphone, thường xuyên bị “khủng bố” bởi tin nhắn rác và mất tiền vô lý trong tài khoản.

Đặc biệt, khi khách hàng khiếu nại thì nhà mạng này giải quyết không thỏa đáng, thậm chí còn cắt liên lạc điện thoại khiến khách hàng bức xúc.

Mệt mỏi bởi tin nhắn rác

Theo đơn trình bày của ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, một khách hàng lâu năm của Vinaphone tại TP. HCM, từ năm 2013 đến nay, bất kể ngày đêm, điện thoại của ông luôn bị quấy nhiễu bởi tin nhắn rác. Rất nhiều đầu số/vùng gọi như RINGTUNES; MCA; LIVESCREEN; VLIVE; SMART MEDIA/9754; 9793; 9565; 9630… cùng rất nhiều các đầu nhắn tin rác khác :+841227927355, +841287883941, +84903986066, +841265020529… Nội dung những tin ấy là quảng cáo, kết quả xổ số, rao bán căn hộ, rao bán đất, rao bán sim…

Và cũng từ đó, tiền cước điện thoại của ông Tú hàng tháng bị tăng lên đột biến. Khi ông Tú yêu cầu nhà mạng in sao kê chi tiết cước từ cả năm 2013 đến nay, Vinaphone chỉ in cho 03 tháng từ tháng 01 - 03/2014. Tuy vậy, từ bản sao kê đã lộ ra một sự thật: trong tiền cước phí tháng 01/2014 có tới 79.997 VND; tháng 02/2014 là 162.723 VND; tháng 03/ 2014 là 214.540 VND (chưa kể thuế) mà ông Tú phải trả cho các dịch vụ ma của SMART MEDIA, VLIVE, RINGTUNES BAI HAT, LIVE SCREEN… mà ông chưa bao giờ sử dụng.

“Không đủ cơ sở để giảm cước”…

Mệt mỏi vì bị quấy nhiễu bởi tin nhắn rác, bực bội vì cước điện thoại tăng gấp đôi bình thường. Ngày 28/04/2014, ông Tú đã trực tiếp đến khiếu nại tại Trung tâm Chăm sóc khách hàng của Vinaphone tại TP. HCM. Ngày 06/05/2014, ông Tú nhận được Thư trả lời số 1783/TTKD-NGVU do bà Phó phòng Nghiệp vụ Đặng Thị Phương Chi ký tên với thông báo: “Hiện nay, Bộ Thông tin & Truyền thông và Bộ Công an đang phối hợp để xử lý các thông tin không lành mạnh, tin rác nên rất mong quý khách thông cảm”.

Tiếp đó, Vinaphone đòi hỏi khách hàng nếu không muốn bị tin nhắn rác “khủng bố” thì phải tự thao tác máy của mình để kích hoạt tắt dịch vụ quảng cáo đã được tích hợp sẵn trên sim 64K và 128K bằng cách soạn tin nhắn gửi tới tổng đài 18001091. Khôi hài hơn, Vinaphone “dụ” khách hàng tham gia dịch vụ Quản lý cuộc gọi với mức cước 10.000 đồng/tháng để “giảm thiểu tin rác”. Ngoài những trả lời trên thì Vinaphone rũ bỏ hoàn toàn trách nhiệm khi ghi rõ: “Rất tiếc, khiếu nại của quý khách không đủ cơ sở để giảm cước”.

Trong khi đang khiếu nại nên ông Tú chưa đóng cước tháng 3/2014, ngay lập tức thuê bao của ông Tú đã bị nhà mạng Vinaphone cắt liên lạc 2 chiều khiến công việc của ông Tú gặp rất nhiều khó khăn.

Có sự tiếp tay của nhà mạng?

Vì sao tin nhắn rác có thể “khủng bố” khách hàng cả ngày lẫn đêm và khách hàng phải “è lưng” ra trả cước phí cho những dịch vụ “trời ơi” mà mình không hề sử dụng? Nhà mạng bất lực hay có sự tiếp tay?

Dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng, có sự ăn chia giữa nhà mạng và công ty chuyên dịch vụ nội dung (CSP)?

Nhiều người cho hay, để tin nhắn rác được phát tán “một cách rộng rãi”, sau khi ký hợp đồng với nhà mạng để được cấp đầu số và cung cấp dịch vụ nội dung, ngoài việc trực tiếp kinh doanh, các công ty CSP còn ký kết với hàng chục công ty vệ tinh (CP) để cùng kinh doanh và ăn chia theo thỏa thuận. Nhiều CP lớn dựng lên cả loạt CP nhỏ chuyên phân tán tin nhắn rác để khi bị phạt hay thu hồi đầu số sẽ không ảnh hưởng đến tên tuổi CSP mẹ. Bên cạnh đó, thông thường, theo quy định của các dịch vụ gửi tin nhắn sẽ bắt buộc người dùng phải có bước xác nhận đồng ý hay không đồng ý gửi tin nhắn. Nhưng các CP sẽ cài thêm những phần mềm - cho phép bỏ qua thao tác này. Chính vì vậy, khi chủ thuê bao đọc tin nhắn là có thể lập tức bị trừ tiền.

Có thể thấy, ngoài việc phải trả tiền để bị “khủng bố” bởi tin nhắn rác, thì với việc “tích hợp” sẵn những dịch vụ không cần thiết theo sim mà không thông báo cho khách hàng biết, hàng tháng, Vinaphone đã “móc túi” “thượng đế” một khoản cước phí không nhỏ với những dịch vụ mà họ không hề biết và không hề sử dụng. Và với số lượng hàng chục triệu thuê bao thì số tiền mà “thượng đế” của Vinaphone bị “móc túi” sẽ không hề nhỏ.

Đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra, xử lý những vi phạm của các nhà mạng nhằm trả lại quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.


Đặng Long, Văn Ký