11 Hiệp hội gồm Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam (VEIA), Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS), Hội Lương thực thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh (FFA), Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA), Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ Tp.Hồ Chí Minh (HAWA) và Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA).
Các hiệp hội mong muốn Phó Thủ tướng sắp xếp và chỉ đạo có một cuộc họp trước 18/9/2021 với các Hiệp hội ngành hàng chúng tôi để các Hiệp hội, đại diện các cộng đồng DN, được báo cáo, chia sẻ sự chung tay cùng Chính phủ trong công tác chống dịch mới, cũng như các sáng kiến, đề xuất, kiến nghị để phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn.
11 hiệp hội ngành hàng kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo và Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét một vấn đề mà theo các hiệp hội là bức thiết.
Theo đó, đối với những lao động tạm ngừng việc (do DN ngừng sản xuất hoặc không thể tham gia làm việc “3 tại chỗ” hoặc phải đi cách ly), các hiệp hội kiến nghị cho phép hỗ trợ giải quyết chế độ BHXH cho người lao động theo khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội (hưởng chế độ ốm đau bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm) trong thời gian thực hiện giãn cách/hay cách ly để phòng, chống dịch Covid theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền .
Ngoài ra, cho phép doanh nghiệp và người lao động được miễn giảm 100% phí Bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp và người lao động trong thời gian đại dịch phải ngừng hoạt động và thực hiện giãn cách xã hội theo yêu cầu Nhà nước (kể cả trường hợp người lao động ngừng việc được DN trả lương tối thiểu).
Các hiệp hội cũng đề xuất cho phép các DN ở các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg hoặc các khu vực, địa phương mà BCĐ phòng chống dịch, UBND các Tỉnh yêu cầu DN thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” được tạm ngừng đóng BHXH ít nhất 3 tháng sau khi được gỡ bỏ giãn cách, bỏ yêu cầu thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”.
-Đối với những lao động đã và đang làm việc “3 tại chỗ”, các hiệp hội kiến nghị cho phép DN và người lao động được giảm 50 % mức đóng BHXH trong 6 tháng.
Các hiệp hội cho rằng không nên áp dụng các hình thức xử phạt đối với các doanh nghiệp không có khả năng đóng Bảo hiểm xã hội trong giai đoạn phong tỏa do phải ngừng sản xuất hoặc bị giảm quy mô sản xuất do dịch bệnh covid-19.
Ngoài ra các hiệp hội đề xuất chính sách chi trả chi phí xét nghiệm Covid-19 cho các DN từ bảo hiểm y tế và chính sách hỗ trợ khẩn cấp đối với tất cả người lao động đã và đang hoàn thành đầy đủ trách nhiệm đóng Bảo hiểm xã hội cho đến hiện tại.
Ngọc Khánh